DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
Là công ty luật SHTT hàng đầu của Việt Nam trong suốt ba mươi năm qua,
D&N International cung cấp đầy đủ các dịch vụ pháp lý tập trung vào các lĩnh vực sau:
XÁC LẬP QUYỀN BẢO HỘ SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM
Theo luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được xác lập trên cơ sở đăng ký. Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cho hệ thống đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Theo nguyên tắc này, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ sáng chế sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) tiến hành thẩm định qua hai giai đoạn, bao gồm các bước thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung và cấp bằng.
DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
Công ty Quốc tế D&N có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và đại diện cho khách hàng liên quan tới việc nộp và theo đuổi đơn sáng chế/giải pháp hữu ích trong tất cả các lĩnh vực như hóa, sinh hóa, dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm, ô tô, giải trí, truyền thông đa phương tiện, công nghệ thông tin, xuất bản, viễn thông, điện và điện tử, máy tính, cơ khí v.v.. Công ty chúng tôi đại diện cho người nộp đơn/chủ sở hữu/nhà sáng chế tại bất kỳ giai đoạn nào từ việc đăng ký tới việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế/giải pháp hữu ích và chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng giải pháp tối ưu nhất liên quan đến mỗi vấn đề cụ thể của khách hàng.
Các dịch vụ của chúng tôi liên quan đến đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại Việt Nam bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở:
- Thực hiện các tra cứu về sáng chế/giải pháp hữu ích dựa trên từ khóa về kỹ thuật, phân loại sáng chế, tên người nộp đơn, số đơn ưu tiên và các loại tra cứu khác theo yêu cầu cụ thể;
- Cung cấp tư vấn pháp lý liên quan đến khả năng đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, hiệu lực của bằng sáng chế/giải pháp hữu ích và xâm phạm;
- Nộp và theo đuổi đơn sáng chế/giải pháp hữu ích bao gồm việc dịch và/hoặc viết bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Phúc đáp các thông báo và thực hiện thủ tục khiếu nại;
- Duy trì hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Ghi nhận hợp đồng chuyển nhượng/li-xăng và những thay đổi liên quan đối với bằng sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Quản lý danh mục sáng chế;
- Đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các xâm phạm và các tranh chấp khác liên quan tới sáng chế/giải pháp hữu ích;
- Đại diện cho khách hàng trong việc phản đối đơn, chấm dứt và hủy hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích.
THÔNG TIN CHUNG VỀ VIỆC BẢO HỘ SÁNG CHẾ TẠI VIỆT NAM
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế
Theo quy định của pháp luật, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo Điều 59 của Luật Sở hữu trí tuệ, các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
- Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
- Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
- Cách thức thể hiện thông tin;
- Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
- Giống thực vật, giống động vật;
- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Trước khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chưa được ban hành, người nộp đơn có thể đưa đối tượng “Sử dụng” vào yêu cầu bảo hộ để bảo hộ các phát minh liên quan đến việc sử dụng các hoạt chất để điều trị bệnh. Tuy nhiên, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, các dạng yêu cầu bảo hộ liên quan đến đối tượng “sử dụng” này bị Cục SHTT từ chối bảo hộ vì không được xem là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hay quy trình vốn là định nghĩa về sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Mặc dù chương trình máy tính thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, tuy nhiên, theo Quy chế thẩm định sáng chế, nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có đặc tính kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết một vấn đề kỹ thuật bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu quả kỹ thuật thì nó có thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Cụ thể, chương trình máy tính có thể được coi là có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nếu chương trình này, khi chạy trên máy tính, có thể tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính. Trong trường hợp đó, chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng các đối tượng, ví dụ, phương pháp để vận hành một thiết bị thông thường, thiết bị được cài đặt để thực hiện phương pháp, vật ghi chứa chương trình để thực hiện phương pháp.
Quyền đăng ký sáng chế
Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng:
- Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
- a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
- b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.
- Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
- Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Ân hạn tính mới
Sáng chế không bị coi là mất tính mới khi được người có quyền đăng ký quy định tại điều 86 của Luật SHTT hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong vòng 12 tháng kể từ ngày bộc lộ.
Quy định về ân hạn tính mới này cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.
Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài
Sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ nếu đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài trái với quy định về kiểm soát an ninh sau đây:
- Chỉ được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó;
- Không được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài khi sáng chế được xác định là sáng chế mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Hạn chế quyền đối với sáng chế
Ngoài các nghĩa vụ mà chủ sở hữu sáng chế phải thực hiện như trả thù lao cho tác giả sáng chế hay nghĩa vụ sử dụng sáng chế, quyền đối với sáng chế còn bị hạn chế bởi các yếu tố sau:
- Quyền sử dụng trước đối với sáng chế
Theo quy định, trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế này.
Quyền sử dụng trước không được mở rộng hay chuyển giao, trừ trường hợp chuyển giao kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế trong các trường hợp sau:
- Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;
- Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;
- Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
- Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Thời hạn bảo hộ và duy trì hiệu lực
Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Bằng quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Chủ sở hữu sáng chế phải nộp phí duy trì hiệu lực hàng năm để duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ.
Phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất cần được trả vào thời điểm nộp phí cấp bằng, việc duy trì hiệu lực cho các năm tiếp theo cần được thực hiện trong vòng 6 tháng tính đến ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực hàng năm. Việc duy trì hiệu lực có thể được tiến hành muộn hơn, nhưng không được quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
(1) Để bảo hộ sáng chế của mình tại Việt Nam, người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký sáng chế tại Văn phòng Cục SHTT tại Hà Nội hoặc các chi nhánh văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Đơn đăng ký có thể yêu cầu hưởng quyền ưu tiên từ đơn nộp trước đó theo Công ước Paris, nếu có.
(2) Để bảo hộ sáng chế của mình tại các nước khác, người nộp đơn có thể cân nhắc việc nộp đơn đăng ký sáng chế tại các nước quan tâm theo một trong hai con đường:
(i) Nộp đơn trực tiếp tại các nước khác, có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris, nếu có; hoặc
(ii) Nộp đơn quốc tế theo Hiệp ước PCT có chỉ định các nước quan tâm.
1. Nộp đơn tại Việt Nam:
Lưu đồ quy trình nộp và theo đuổi đơn tại Việt Nam
Tiến trình đăng ký
Thời gian kể từ lúc nộp đơn đến khi sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ là khoảng ba đến bốn năm, tuy vậy, trong thực tế thời gian này có thể bị kéo dài hơn. Đơn đăng ký sáng chế được thẩm định bởi Trung tâm Thẩm định Sáng chế thuộc Cục SHTT. Quy trình thẩm định bao gồm các bước:
Thẩm định hình thức
Sau khi nộp đơn, đơn được thẩm định hình thức trong vòng một tháng kể từ ngày nộp đơn để Cục SHTT kiểm tra sự đầy đủ và hợp lệ của tài liệu nộp đơn cũng như đối tượng yêu cầu bảo hộ. Nếu đơn có thiếu sót, Cục SHTT sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn và cho người nộp đơn thời hạn 02 tháng để sửa chữa đơn để phúc đáp thông báo này. Thời hạn phúc đáp có thể được gia hạn thêm 02 tháng.
Khi hoàn tất quá trình thẩm định hình thức, nếu đơn đã đáp ứng các yêu cầu, Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ để xác nhận ngày ngày nộp đơn, số đơn và các thông tin khác của đơn.
Công bố đơn
Đơn sáng chế được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp vào tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên) hoặc trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Kể từ ngày đơn được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó.
Yêu cầu thẩm định nội dung
Trong vòng 42 tháng kể từ ngày ưu tiên đối với đơn sáng chế và 36 tháng kể từ ngày ưu tiên đối với đơn giải pháp hữu ích, người nộp đơn phải nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung cho đơn vào Cục SHTT. Nếu yêu cầu thẩm định nội dung không được nộp trong thời hạn này, đơn sẽ coi như bị rút bỏ vào thời điểm kết thúc thời hạn này.
Thẩm định nội dung
Sau khi yêu cầu thẩm định nội dung được nộp, đơn sẽ chuyển sang giai đoạn thẩm định nội dung để đánh giá khả năng bảo hộ cho sáng chế/giải pháp hữu ích và xác định phạm vi bảo hộ. Giai đoạn thẩm định nội dung sẽ kéo dài trong thời gian 18 tháng kể từ ngày nộp yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu này được nộp sau ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn).
Nếu sáng chế/ giải pháp hữu ích được đánh giá là không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, hoặc đáp ứng điều kiện bảo hộ nhưng đơn vẫn còn thiếu sót, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định từ chối cấp bằng và chủ đơn sẽ có 03 tháng để phúc đáp Thông báo này và sửa đổi hay đính chính các nội dung cần thiết để đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ và các quy định khác. Thời hạn phúc đáp có thể được gia hạn thêm 03 tháng.
Sau khi hoàn thành việc thẩm định nội dung, nếu đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ và các yêu cầu khác, hoặc nếu các sửa đổi hay đính chính nêu trên được chấp nhận, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định cấp bằng.
Cấp bằng
Trong vòng 03 tháng kể từ ngày Cục SHTT ra Thông báo dự định cấp bằng, chủ đơn sẽ phải
nộp phí cấp bằng theo thông báo. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí và lệ phí, Cục SHTT sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Yêu cầu về tài liệu nộp đơn tại Việt Nam
- Họ và tên, địa chỉ, quốc tịch của (các) chủ đơn và (các) tác giả;
- Số đơn ưu tiên, ngày nộp đơn ưu tiên, nước nộp đơn ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền;
- Bản mô tả, yêu cầu bảo hộ, hình vẽ / bảng (nếu có) và bản tóm tắt của sáng chế bằng
tiếng Việt;
- Giấy ủy quyền chỉ cần được kí bởi người nộp đơn, không yêu cầu công chứng hoặc chứng thực, bản gốc giấy ủy quyền phải được nộp trong vòng một tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Bản sao có chứng nhận tài liệu ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, tài liệu này cần được nộp trong vòng ba tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Chứng thư chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu chủ đơn không phải là chủ đơn đã nộp
đơn ưu tiên, tài liệu này cần được nộp trong vòng ba tháng kể từ ngày nộp đơn.
2. Nộp đơn quốc tế
Người nộp đơn cần tuân thủ quy định về Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi đăng ký ra nước ngoài.
- Đơn đăng ký sáng chế được nộp trực tiếp tại các nước khác, theo Công ước Paris, sẽ được xử lý và thẩm định và cấp bằng theo quy định tại nước sở tại.
- Đơn quốc tế được nộp theo Hiệp ước PCT có chỉ định và/hoặc chọn các nước quan tâm có thể được nộp thông qua Cục SHTT. Đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam nộp cho Cục SHTT phải được làm bằng tiếng Anh. Để được bảo hộ tại các nước được chỉ định và/hoặc chọn trong đơn quốc tế, người nộp đơn cần tiến hành các thủ tục vào pha quốc gia tại các nước này trong thời hạn 30 hoặc 31 tháng tùy theo quy định của mỗi nước. Sau khi vào pha quốc gia, đơn quốc tế sẽ được thẩm định và cấp bằng theo quy định của nước đó.
1. Thủ tục phản đối đơn đăng ký sáng chế
Theo quy định pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền nộp đơn phản đối đơn đăng ký sáng chế kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế đó được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày Cục SHTT ra quyết định cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ.
Đơn phản đối được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Hay nói cách khác, đơn phản đối không được xử lý theo một thủ tục độc lập mà được thẩm định đồng thời trong quá trình thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế bị phản đối.
Căn cứ phản đối có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở, đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ, người nộp đơn không có quyền đăng ký sáng chế, v.v.
2. Thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế
Bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế là suốt thời hạn bảo hộ.
Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế:
- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế;
- Sáng chế được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
* Thủ tục chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ: Ngoài thủ tục hủy hiệu lực, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nộp yêu cầu đến Cục SHTT để yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại mà không có người kế thừa hợp pháp.
Để tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan xin vui lòng xem tại phần “Thực thi và tranh tụng”.