DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
Là công ty luật SHTT hàng đầu của Việt Nam trong suốt ba mươi năm qua,
D&N International cung cấp đầy đủ các dịch vụ pháp lý tập trung vào các lĩnh vực sau:
Tổng quan
XÁC LẬP QUYỀN BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Theo luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký. Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cho hệ thống đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Theo nguyên tắc này, văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định qua hai giai đoạn, bao gồm các bước thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung và cấp bằng.
DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Công ty Quốc tế D&N cam kết hỗ trợ khách hàng trong việc xác lập, duy trì và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với kểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp cho khách hàng các hướng dẫn chi tiết cũng như chiến lược tổng thể đảm bảo sự bảo hộ hiệu quả nhất cho kiểu dáng công nghiệp của khách hàng.
Các dịch vụ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của công ty chúng tôi bao gồm:
- Tra cứu kiểu dáng công nghiệp;
- Cung cấp các tư vấn pháp lý về khả năng đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Nộp và theo đuổi đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
- Ghi nhận các thay đổi về tên và/hoặc địa chỉ;
- Gia hạn Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
- Ghi nhận Hợp đồng chuyển nhượng/li-xăng liên quan đến kiểu dáng công nghiệp;
- Đại diện cho khách hàng trong các tranh chấp và xử lý các xâm phạm liên quan tới kiểu dáng công nghiệp;
- Đại diện cho khách hàng trong việc phản đối đơn, chấm dứt và hủy hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
THÔNG TIN CHUNG VỀ VIỆC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng các phần, đặc điểm tạo dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại và các dấu hiệu khác có trên kiểu dáng công nghiệp.
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có.
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp.
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp một phần
Kiểu dáng công nghiệp phù hợp với yêu cầu cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp phải là sản phẩm hoặc bộ phận của sản phẩm có khả năng lưu thông độc lập. Kiểu sáng công nghiệp một phần không được bảo hộ tại Việt Nam trừ khi bản thân phần kiểu dáng đó có khả năng lưu thông độc lập và được thể hiện dưới dạng kiểu dáng của bộ phận của sản phẩm.
Theo Quy chế thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, “lưu thông độc lập” nghĩa là sản phẩm hoặc bộ phận của sản phẩm có thể được tách rời khỏi sản phẩm hoàn chỉnh mà không cần phải phá hủy sản phẩm hoàn chỉnh và có thể được sản xuất riêng và thay thế được.
Một đơn gồm nhiều kiểu dáng
Một đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể yêu cầu bảo hộ nhiều hơn một kiểu dáng công nghiệp mà vẫn đáp ứng tính thống nhất trong các trường hợp sau:
– Đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ các kiểu sáng công nghiệp của nhiều hơn một sản phẩm trong bộ sản phẩm, trong đó mỗi sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp tương ứng; hoặc
– Đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm kèm theo một hoặc nhiều phương án biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó. Phương án đầu tiên phải là phương án cơ bản.
Ân hạn tính mới
Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Hệ thống La Hay đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp
Việt Nam chính thức gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện Geneva (1999) vào ngày 30/12/2019 và trở thành thành viên thứ 61 của Văn kiện Geneva và thành viên thứ 71 của Liên minh La Hay. Kể từ ngày 30/12/2019, các nhà thiết kế và doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng Hệ thống La Hay để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình tại các Bên tham gia Văn kiện Geneva của Thỏa ước La Hay với hơn 80 nước thành viên. Các công ty và nhà thiết kế nước ngoài cũng có thể bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của họ tại Việt Nam thông qua Hệ thống La Hay kể từ ngày 30/12/2019.
Quyền sử dụng trước đối với kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định, trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp này.
Quyền sử dụng trước không được mở rộng hay chuyển giao, trừ trường hợp chuyển giao kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hiệu lực và gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Văn bằng bảo hộ kiểu sáng công nghiệp có hiệu lực trong thời hạn năm (5) năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm (5) năm có nộp phí gia hạn.
Yêu cầu gia hạn có thể được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ trong vòng sáu (06) tháng trước ngày hết hạn. Việc gia hạn muộn có thể được chấp thuận trong thời gian ân hạn sáu tháng tính từ ngày hết hạn, chủ bằng phải chịu khoản phí nộp muộn bổ sung là 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
Thủ tục đăng ký
(1) Để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình tại Việt Nam, người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc các chi nhánh văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng. Đơn đăng ký có thể yêu cầu hưởng quyền ưu tiên từ đơn nộp trước đó theo Công ước Paris, nếu có.
(2) Để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình tại các nước khác, người nộp đơn có thể cân nhắc việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại các nước quan tâm theo một trong hai con đường:
(i) Nộp đơn trực tiếp tại các nước khác, có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris, nếu có; hoặc
(ii) Nộp đơn quốc tế theo Hệ thống La hay có chỉ định các Bên tham gia quan tâm.
1. Nộp đơn tại Việt Nam:
Lưu đồ quy trình nộp và theo đuổi đơn tại Việt Nam
Tiến trình đăng ký
Thời gian kể từ lúc nộp đơn đến khi kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ là khoảng một năm, tuy vậy, trong thực tế thời gian này có thể kéo dài thêm vài tháng. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thẩm định bởi Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp thuộc Cục Sở hữu trí tuệ. Quy trình thẩm định bao gồm các bước:
- Thẩm định hình thức
Sau khi nộp đơn, đơn được thẩm định hình thức trong vòng một tháng kể từ ngày nộp đơn để Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra sự đầy đủ và hợp lệ của tài liệu nộp đơn cũng như đối tượng yêu cầu bảo hộ. Nếu đơn có thiếu sót, Cục SHTT sẽ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn và cho người nộp đơn thời hạn hai tháng để sửa chữa đơn để phúc đáp thông báo này.
Khi hoàn tất quá trình thẩm định hình thức, nếu đơn đã đáp ứng các yêu cầu, Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ để xác nhận ngày ngày nộp đơn, số đơn và các thông tin khác của đơn.
- Công bố đơn
Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Kể từ lúc công bố đến trước khi có quyết định cấp bằng, bên thứ ba bất kỳ có thể có ý kiến phản đối việc cấp bằng của đơn.
- Thẩm định nội dung
Sau khi công bố, đơn sẽ được thẩm định nội dung trong thời gian 7 tháng, các nội dung được thẩm định trong giai đoạn này bao gồm tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, quyền ưu tiên, v.v..
Nếu đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ, hoặc có thiếu sót khác, Cục SHTT sẽ ra thông báo dự định từ chối cấp bằng và cho người nộp đơn 3 tháng để phúc đáp và sửa đổi đơn.
Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định nội dung, nếu đơn đáp ứng điều kiện cấp bằng, Cục SHTT sẽ ra thông báo dự định cấp bằng và người nộp đơn có 3 tháng để tiến hành nộp phí cấp bằng theo thông báo.
- Cấp bằng
Sau khi phí cấp bằng được nộp, văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiếp sẽ được cấp trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp phí, bằng sau đó sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Hiệu lực của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp bắt đầu từ ngày cấp đến hết 5 năm tính từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể được gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.
Yêu cầu về tài liệu nộp đơn tại Việt Nam
- Họ và tên, địa chỉ, quốc tịch của (các) chủ đơn và (các) tác giả;
- Số đơn ưu tiên, nước nộp đơn, ngày nộp đơn ưu tiên nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo công ước Paris;
- Bốn (4) bộ ảnh chụp/hình vẽ của kiểu dáng công nghiệp, mỗi bộ gồm: hình phối cảnh, hình chiếu trước, hình chiếu sau, hình chiếu bên trái, hình chiếu bên phải, hình chiếu trên xuống, hình chiếu dưới lên (Kích thước hình không lớn hơn 210 x 297 mm và không nhỏ hơn 90 x 120 mm);
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp;
- Giấy ủy quyền đại diện, cần được ký bởi người nộp đơn và đóng dấu nếu là tổ chức, giấy ủy quyền gốc cần được nộp trong vòng một (01) tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Bản sao chứng thực tài liệu ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, tài liệu này cần nộp trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Tài liệu chuyển nhượng quyền ưu tiên, nếu người nộp đơn trên đơn ưu tiên không phải là người nộp đơn của đơn nộp tại Việt Nam, tài liệu này cần nộp trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp đơn;
- Tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý/chỉ dẫn thương mại/tên thương mại, nếu có trên kiểu dáng công nghiệp (chỉ cung cấp khi Cục SHTT có yêu cầu).
2. Nộp đơn quốc tế
- Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trực tiếp tại các nước khác, theo Công ước Paris, sẽ được xử lý và thẩm định và cấp bằng theo quy định tại nước sở tại.
- Đơn quốc tế theo Hệ thống La Hay có chỉ định các nước quan tâm là Bên tham gia của Hệ thống La Hay có thể được nộp thông qua Cục SHTT hoặc nộp đơn trực tiếp tới WIPO thông qua giao diện nộp đơn điện tử (eHague) hoặc bằng cách gửi tờ khai giấy đến WIPO qua thư hoặc qua chức năng Liên hệ Hệ thống La Hay. Đơn quốc tế sẽ được thẩm định nội dung bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các Bên tham gia được chỉ định trong vòng sáu (6) tháng hoặc mười hai (12) tháng kể từ ngày đơn quốc tế được công bố trên Công báo Quốc tế Kiểu dáng công nghiệp.
Khi kết thúc thời hạn 6 tháng hoặc 12 tháng này, nếu Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các Bên tham gia được chỉ định không đưa ra thông báo từ chối thì sẽ gửi cho WIPO tuyên bố chấp nhận bảo hộ, đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế sẽ có hiệu lực ở nước đó.
Trong trường hợp có thông báo từ chối bảo hộ, người nộp đơn có thời hạn để tiến hành sửa đổi/phúc đáp thông báo này, và người nộp đơn có thể chỉ định đại diện Sở hữu công nghiệp tại nước đó để đại diện và theo đuổi đơn với Cơ quan Sở hữu trí tuệ đưa ra thông báo từ chối đó theo quy định của nước đó.
Phản đối/ Hủy bỏ/ CDHL
1. Thủ tục phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền nộp đơn phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày Cục SHTT ra quyết định cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ.
Đơn phản đối được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Hay nói cách khác, đơn phản đối không được xử lý theo một thủ tục độc lập mà được thẩm định đồng thời trong quá trình thẩm định nội dung của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bị phản đối.
Căn cứ phản đối có thể bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở, đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ, người nộp đơn không có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp, v.v..
2. Thủ tục hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là suốt thời hạn bảo hộ.
Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
- Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với kiểu dáng công nghiệp;
- Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án hoặc nhiều sản phẩm thuộc bộ sản phẩm bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp một hoặc nhiều phương án hoặc sản phẩm tương ứng không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
* Thủ tục chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ: Ngoài thủ tục hủy hiệu lực, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nộp yêu cầu đến Cục SHTT để yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại mà không có người kế thừa hợp pháp.
Để tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan xin vui lòng xem tại phần “Thực thi và tranh tụng”.