11 LUẬT, BỘ LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021

adminquantri - April 14, 2021

Kể từ ngày 01/01/2021, 11 luật và bộ luật sau bắt đầu có hiệu lực, bao gồm:

  1. Luật Đầu tư 2020
  2. Luật Doanh nghiệp 2020
  3. Bộ luật Lao động 2019
  4. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020
  5. Luật Chứng khoán 2019
  6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020
  7. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020
  8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020
  9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020
  10. Luật Thanh niên 2020
  11. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020

Trong các văn bản kể trên, đáng chú ý nhất là Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020.

Trước đây, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Luật Tố tụng Hành chính 2015, thủ tục hòa giải (áp dụng đối với vụ việc dân sự) hoặc đối thoại (áp dụng đối với vụ việc hành chính) tại Tòa án chỉ được tiến hành sau khi Tòa án đã tiến hành thụ lý vụ án. Tuy nhiên, với quy định mới trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu trên, bên cạnh thủ tục hòa giải sau khi đã thụ lý vụ án, Luật này đưa ra quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, cách thức, chi phí tổ chức phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc. Đây được coi là một điểm mới, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các Bên, hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất nhằm giải quyết vụ việc nhanh chóng hơn.

Đáng chú ý, trong các quy định về thủ tục hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, có quy định về quyền của Các bên tham gia phiên hòa giải/đối thoại là tự nguyện, và không phải chịu chi phí gì liên quan đến hoạt động này; trong khi đó, thủ tục hòa giải/đối thoại sau khi Tòa án thụ lý vụ việc là thủ tục bắt buộc phải tổ chức (trừ 1 số trường hợp đặc biệt), và nếu các bên hòa giải/đối thoại thành công, các bên vẫn phải chịu 50% án phí.

Theo đó, các bên khi xảy ra tranh chấp, cụ thể là tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể tham khảo thủ tục hòa giải/đối thoại trước khi Tòa án thụ lý hồ sơ theo quy định của Luật này.