Giấy phép Cộng đồng Sáng tạo (Giấy phép Creative Commons – Giấy phép CC) chính thức được sử dụng tại Việt Nam

adminquantri - May 10, 2010

Chiều ngày 7 tháng 5 năm 2010, tại khách sạn Melia Hà nội, Creative Commoms cùng với VEF và Công ty Quốc Tế D&N giới thiệu Giấy phép CC chính thức được sử dụng tại Việt nam. Sự kiện này  đánh dấu một bước rất quan trọng về sự phát triển Quyền tác giả ở Việt Nam. Hoàn thành Giai đoạn 1 của Dự án Giấy phép CC.


Tổ chức CC

Tổ chức Cộng đồng Sáng tạo (Tổ chức Creative Commons), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2001, http://creativecommons.org/about/history/, với mục đích thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng trong tất cả các lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật. Hiện nay Việt Nam là quốc gia thứ 53 đã chính thức được phép sử dụng Giấy phép CC. Sự kiện này đã được cập nhật trên website của Creative Commons,
http://creativecommons.org/press-releases/entry/21941
http://creativecommons.org/weblog/entry/21945 .

Giấy phép CC

Giấy phép CC không phải là một hệ thống luật Quyền tác giả thứ hai, Giấy phép này là một công cụ pháp lý đã được tiêu chuẩn hóa và điều chỉnh phù hợp với luật quốc gia để sử dụng chung, miễn phí và đơn giản nhất cho Cộng đồng Sáng tạo.

Giấy phép CC tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả chia sẻ các tác phẩm của mình với người sử dụng nhằm thúc đẩy sự sáng tạo trong Cộng đồng Sáng tạo. Việc chia sẻ theo Giấy phép CC giúp các tác phẩm ngày càng phong phú hơn, hoàn thiện hơn góp phần làm giàu kho tàng trí thức văn học, khoa học và nghệ thuật của đất nước và của nhân loại. Đồng thời Giấy phép CC cũng giúp tác giả đưa tác phẩm của mình đến với công chúng nhanh nhất thông qua mạng lưới website của Tổ chức CC, trong khi vẫn nắm giữ được các quyền mà tác giả muốn bảo lưu.

Các cấp độ của Giấy phép CC

Tùy thuộc vào những quyền muốn bảo lưu, Tác giả có thể sử dụng một trong sáu cấp độ khác nhau, theo các điều kiện, của Giấy phép CC sau đây:

  1. BY, Ghi nhận Đóng góp;
  2. BY-SA, Ghi nhận Đóng góp, Chia sẻ với Điều kiện như nhau;
  3. BY-ND, Ghi nhận đóng góp, Không phái sinh;
  4. BY-NC, Ghi nhận Đóng góp, Phi Thương mại;
  5. BY-NC-ND, Ghi nhận Đóng góp, Phi Thương mại, Không Phái sinh
  6. BY- NC-SA, Ghi nhận Đóng góp, Phi Thương mại, Chia sẻ với Điều kiện như nhau;.

Các điều kiện của Giấy phép CC

Bốn điều kiện cơ bản của Giấy phép CC được phối hợp với nhau trong mỗi cấp độ Giấy phép CC, đó là:

  1. BY- Ghi nhận đóng góp: ghi nhân sự đóng góp của cá nhân, tổ chức đóng góp vào quá trình phát triển của tác phẩm, bằng công sức hoặc bằng sự hỗ trợ vật chất của mình.
  2. ND- Không phái sinh: phải giữ tác phẩm nguyên gốc, không được thay đổi về phương thức biểu hiện nội dung.
  3. NC- Phi thương mại, không được sử dụng với mục đích tìm kiếm hoặc thu được lợi nhuận.
  4. SA- Chia sẻ với điều kiện như nhau, khi tác phẩm gốc được tác giả chia sẻ với công chúng theo một trong sáu cấp độ nêu trên, thì các tác phẩm phái sinh hoặc tuyển chọn sẽ được chia sẻ tiếp theo cùng cấp độ này.

Giấy phép CC sẽ thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật;

 

Từ xưa, cha ông ta đã có ý thức về quyền nhân thân đối với tác phẩm của mình, đó là được ghi danh là tác giả và sự toàn vẹn của tác phẩm của mình. Việc đạo văn của người khác làm của mình được cho là hành động của kẻ tiểu nhân. Đồng thời , nền văn hóa Việt Nam từ xa xưa đã thiên về tình hơn về lý, sự việc được xét trên cả hai phương diện đó và đạt được kết quả hợp tình hợp lý.

Luật quyền tác giả trong Luật Sở hữu Trí tuệ đã được Quốc hội thông qua năm 2005, theo luật này tác giả được bảo vệ rất mạnh về quyền nhân thân cũng như quyền tài sản̉ đối với tác phẩm của mình. Nhưng trải qua 5 năm, dường như luật quyền tác giả vẫn chưa đi vào cuộc sống, hiểu biết của công chúng đối với luật quyền tác giả còn hạn chế.

Hiện tượng vi phạm quyền tác giả tràn lan và khó kiểm soát, do cả sự vô ý lẫn cố ý của người vi phạm. Việc vi phạm tràn lan này làm các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm cảm thấy quyền tác giả của mình không được bảo hộ trên thực tế và nản lòng họ trong việc bảo vệ Quyền tác giả. Điều này kìm hãm sự phát triển của khoa học, văn học và nghệ thuật, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của luật quyền tác giả.

Việc Giấy phép CC được chính thức sử dụng tại Việt Nam đã tạo ra cơ hội cho tác giả chia sẻ tác phẩm của mình cho công chúng trong khi vẫn nắm giữ được phạm vi quyền mà họ muốn. Khi đưa tác phẩm ra chia sẻ trong Cộng đồng Sáng tạo, tác phẩm sẽ nhanh chóng được phố biến đến công chúng, điều này sẽ làm cho tác phẩm phục vụ cuộc sống một cách nhanh nhất. Việc chia sẻ như vậy là một giải pháp hợp tình hợp lý. Khi cung cấp tác phẩm để chia sẻ với cộng đồng, tác phẩm vẫn thuộc về tác giả, tác giả chia sẻ cho công chúng một số quyền được quy định trong Giấy pháp CC, đó là sự hợp tình, trong khi tác giả vẫn giữ được quyền họ muốn giữ và không vi phạm luật bản quyền, đó chính là sự hợp lý.

Giấy phép CC đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng vào Chương trình Học liệu Mở (VOWC) Việt Nam, một chương trình rất hữu ích, giúp các giáo viên, giảng viên, sinh viên, học sinh chia sẻ với nhau một cách hợp pháp các bài giảng, các tài liệu học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và học tập cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện nay Dự án Giấy phép CC Việt Nam đang bước vào Giai đoạn 2, với mục đích̉ sử dụng Giấy phép CC vào mọi lĩnh vực để thúc đẩy sự sáng tạo trong cộng đồng làm giàu thêm kho tàng văn học, khoa học và nghệ thuật của đất nước. Tốc độ và tính Hiệu quả của tiến trình Giai đoạn 2, giai đoạn quyết định để Giấy phép CC thúc đẩy quá trình sáng tạo các lĩnh vực nói trên trong Cộng đồng Sáng tạo Việt Nam phụ thuộc vào chính chúng ta, những người mong muốn hòa nhập vào Cộng đồng Sáng tạo thế giới.

                                                                                                                   D&N International