KHÁI NIỆM SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

adminquantri - July 3, 2009
Sở hữu trí truệ (SHTT) và Quyền SHTT là gì?

 Các khái niệm SHTT, Quyền SHTT, Quyền SHCN, Quyền tác giả mới xuất hiện ở Việt Nam kể từ khi đất nước bắt đầu “đổi mới” vậy các quyền này là gì?

Thuật ngữ SHTT được dịch ra từ tiếng nguyên bản Anh – Intellectual Property (IP) – nếu dịch sát nghĩa ra tiếng Việt là “Tài sản (vô hình) kết tinh từ quá trình sáng tạo trí tuệ” hoặc “Tài sản do hoạt động trí tuệ”, nó khác các loại tài sản khác ở chỗ tài sản này không cầm nắm được và cũng không chiếm hữu được về mặt vật lý.

 

Tài sản này tồn tại dưới dạng thông tin hoặc tri thức. Tài sản này phải được biểu hiện thông qua vật nhìn hoặc nghe thấy được với số lượng không hạn chế các bản sao ở bất kỳ nơi nào trên thế giới tại cùng một thời điểm. Ví như một tiểu thuyết được in thành hàng triệu bản sách hoặc một sáng chế được mô tả chi tiết trong bản mô tả sáng chế (dạng tri thức), một bản nhạc được ghi trong đĩa CD hoặc một nhãn hiệu được gắn trên rất nhiều sản phẩm (dạng thông tin)…
 
Quyền SHTT không phải là quyền sở hữu các bản sao này mà là Chủ sở hữu có độc quyền đối với thông tin và tri thức được mang trong các vật hữu hình này. Thực chất Quyền SHTT là độc quyền đối với thông tin hoặc tri thức do tác giả tạo ra, thông tin và tri thức này có thể mang lại quyền lợi về tinh thần (quyền nhân thân) cũng như mang lại lợi nhuận (quyền vật chất) cho tác giả và chủ sở hữu quyền.
 
SHTT hay tài sản từ hoạt động trí tuệ tưởng như xa vời nhưng thực ra lại rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng được biểu hiện dưới nhiều dạng được gọi là các “đối tượng SHTT”. Nội dung cuốn sách mà chúng ta đang đọc, bản nhạc mà chúng ta đang nghe được bảo hộ dưới dạng Quyền tác giả (liên quan đến các tác phẩm văn học nghệ thuật, phần mềm máy tính..), các thiết bị hiện đại mà chúng ta đang sử dụng hàm chứa rất nhiều Quyền sáng chế (các giải pháp kỹ thuật), hình dáng bên ngoài của xe ô tô được Nhà nước bảo hộ dưới dạng Kiểu dáng công nghiệp, các chữ, số và hình gắn trên hàng hoá là Nhãn hiệu, dùng để phân biệt hàng hoá của các nhà sản xuất khác nhau…
 
Quyền SHTT của người sáng tạo hoặc chủ sở hữu các đối tượng SHTT là việc Nhà nước giao cho những người này độc quyền khai thác các đối tượng SHTT của họ trong một khoảng thời gian nhất định (theo luật định). Mục đích của việc nhà nước bảo vệ các quyền này là tạo điều kiện cho Chủ sở hữu quyền được độc quyền khai thác các đối tượng SHTT trong một khoảng thời gian nhất định để họ có thể thu lại chi phí đã bỏ ra và có thêm nguồn lực tài chính để nghiên cứu, sáng tạo các đối tượng SHTT mới. Việc Nhà nước bảo hộ Quyền SHTT cho Chủ sở hữu quyền này một cách hữu hiệu là động lực quan trọng để nền khoa học công nghệ cũng như nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển.
 
Chủ sở hữu các quyền SHTT có thể tự mình khai thác, cho người khác khai thác và ngăn cấm bên thứ ba sử dụng các quyền đó trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian bảo hộ đó, các tài sản này trở thành tài sản trí tuệ chung vì các đối tượng SHTT được sáng tạo ra đều dựa trên kho tàng kiến thức chung của nhân loại.
 
Đối với tài sản hữu hình, chủ sở hữu dễ dàng bảo vệ tài sản của mình, ví như chủ chiếc xe máy khoá xe lại để tránh bị mất cắp hay đối với tài sản quý, chủ sở hữu có thể sử dụng các thiết bị bảo vệ hiện đại. Hoặc khi tài sản bị mất mà phát hiện được kẻ cắp, việc xác định chủ sở hữu của tài sản hữu hình cùng tương đối dễ dàng.
 

Ngược lại, đối với tài sản vô hình như Quyền SHTT, việc Chủ sở hữu bảo vệ tài sản rất khó khăn. Người vi phạm có thể dễ dàng sao chép Nhãn hiệu của người khác để gắn lên sản phẩm hàng hoá của họ để đánh lừa khách hàng nhằm thu lời bất chính. Hay như trong vụ xâm phạm Quyền tác giả của NXB Elservier (NXB khoa học lớn của Mỹ), người vi phạm ngồi ở Việt Nam thông qua mạng Internet đã đánh cắp các tác phẩm khoa học của NXB này để bán và kiếm lời bất hợp pháp. Ngay khi đã phát hiện được người vi phạm, việc xác đinh hành vi đó có xâm phạm Quyền SHTT không cũng rất khó khăn. Chính vì vậy Quyền SHTT được Nhà nước bảo hộ theo một cơ chế đặc biệt được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ.

Công ty Quốc tế D&N