Lịch sử phát triển của Hệ thống bảo hộ Quyền Sở hữu trí tuệ

adminquantri - July 8, 2009
Trên thế giới Quyền SHTT xuất hiện do nhu cầu của đời sống kinh tế gắn liền với nền Kinh tế Thị trường. Việc nhà nước bảo hộ Quyền SHTT tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh nhằm tạo động lực phát triển nền khoa học công nghệ và kinh tế, xã hội của quốc gia.
Nói chung các nước ban hành luật bảo hộ Quyền SHTT vì hai lý do chính: 1) trao cho các nhà sáng tạo quyền hợp pháp về tinh thần và vật chất đối với sáng tạo của họ và quyền công chúng tiếp cận các sáng tạo này. 2) thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và phổ biến các ứng dụng của chúng và để khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, điều này sẽ thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển.
Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước EU v.v. có lịch sử phát triển Hệ thống SHTT hàng trăm năm, vì vậy tiềm lực Khoa học công nghệ cũng như Kinh tế xã hội của họ rất mạnh.
Luật bảo hộ độc quyền sáng chế đầu tiên
Ngay từ năm 1474, nước Công hòa Vơnizơ thuộc Ý hiện nay đã ban hành đạo luật bảo hộ độc quyền sáng chế đầu tiên trên thế giới được gọi là “Luật cho các nhà sáng chế”. Năm 1594, Galileo Galile đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế (Patent) cho Máy bơm nước của ông, trong Đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế ông viết:
Thưa các ngài, tôi đã sáng chế ra một loại bơm rất có ích có thể bơm tưới một cách dễ dàng với chi phí thấp. Máy phun nước liên tục từ 20 cái vòi mà chỉ sử dụng năng lượng một sức ngựa.
Tuy nhiên, để sáng chế ra máy bơm này tôi đã phải giải quyết hàng loạt vấn đề cũng như tốn rất nhiều chi phí nên tôi không muốn nó là tài sản chung của tất cả mọi người.
Tôi muốn các ngài ban cho tôi một ân huệ cũng như các ngài ban cho bất kỳ nhà sản xuất nào. Đó là cấm tất cả mọi người, trừ tôi và người thừa kế của tôi, hoặc những người được tôi và người thừa kế của tôi trao quyền, trong 40 năm hay một khoảng thời gian nào đó mà các ngài cho là thích hợp, không được sản xuất loại máy mới này, thậm chí ngay cả khi đã sản xuất rồi họ sẽ bị cấm sử dụng hay không được phép dùng nó cho các mục đích khác bằng cách thay đổi hình dạng của máy hoặc để bơm chất lỏng khác. Và tôi muốn các ngài phạt những người xâm phạm độc quyền sáng chế của tôi một khoản tiền phù hợp và trao lại cho tôi một phần khoản tiền đó.
Nếu các ngài ban cho tôi ân huệ này, tôi sẽ trung thành phục vụ bằng cách tạo ra nhiều sáng chế mới vì sự phồn vinh của xã hội.”
Đây được coi là Đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế đầu tiên, trong đơn Tác giả sáng chế nêu rõ Cơ sở để yêu cầu Nhà nước bảo hộ sáng chế, Bản mô tả sáng chế, phạm vi Yêu cầu bảo hộ sáng chế, các Chế tài đối với người vi phạm quyền và ý nghĩa tích cực của việc Nhà nước bảo hộ độc quyền sáng chế.
Luật bảo hộ Quyền tác giả đầu tiên
 
Năm 1557, nhà vua Anh tổ chức lại phường hội in đặt tên là “Stationers’ Company” và trao cho họ độc quyền in ấn và phát hành sách ở London và trên toàn Vương quốc Anh.
Vào những năm 1570, bốn thành viên của Stationers’ Company có được độc quyền in và phát hành những cuốn sách “sinh lợi” nhất: 1) Christopher Barker, với danh hiệu Queen’s Printer, có quyền in Kinh thánh, Tân ước, Sách Kinh đọc chung và tất cả những Đạo luật, Tuyên bố và các văn bản chính thức khác. 2) William Serres, có quyền in sách kinh riêng, sách vỡ lòng và sách giáo khoa. 3) Richard Tottel, có quyền in sách về thông luật. 4) John Day, có quyền in sách học vần, sách giáo lý và sách thánh ca.
Trong thế kỷ 17, Stationers’ Company gây sức ép để có được Quyền tác giả. Ngày 11/1/1709, một bản dự thảo luật “để khuyến khích việc học” được đệ trình Hạ viện thông qua. Bản dự thảo này được trở thành luật vào ngày 10/4/1710 gọi là “Đạo luật Anne” (SoA), đây là luật Quyền tác giả đầu tiên theo nghĩa hiện đại của từ này và lần đầu tiên nó công nhận sự hiện hữu của một quyền cá nhân để bảo vệ một tác phẩm đã được giới thiệu với công chúng.
Đạo luật Anne cho phép tác giả một cuốn sách đã được in ra độc quyền được tái bản tác phẩm của mình trong thời gian 21 năm. Đối với những cuốn sách không được in ra, Quyền tác giả có thời hạn là 14 năm với một điều khoản là sau khi hết hạn tác quyền, nếu tác giả còn sống, có quyền gia hạn thêm một thời hạn 14 năm nữa. Để có thể bảo vệ Quyền tác giả theo Đạo luật Anne, phải qua một số thủ tục hành chính như: tác giả phải đăng ký tác phẩm của mình dưới tên thật và phải nộp 9 bản lưu chiểu cho các trường Đại học và thư viện ở Stationers’ Hall.
Luật về Quyền SHTT ở Việt Nam
 
Đối với Việt Nam, việc bảo hộ Quyền tác giả đã được quy định trong Hiến pháp năm 1946 và việc bảo hộ Quyền SHCN được quy định trong Pháp lệnh SHCN năm 1989. Tuy nhiên, Quyền SHTT được quy định lần đầu tiên trong Phần thứ 6, Bộ luật dân sự 1995. Năm 2005, Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống SHTT có hiệu quả. Và Luật Sở hữu trí tuệ mới được sửa đổi năm 2009.
Để hòa nhập nền kinh tế thế giới và xây dựng Hệ thống bảo hộ SHTT hiệu quả hơn, Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp ước quốc tế như Công ước Paris (1949), Công ước Bern (2005), Hiệp định TRIPS (2006) – một hiệp định bắt buộc đối với các quốc gia Thành viên WTO, Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT), Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (2000), Hiệp định QTG Việt-Mỹ (1997) và Hiệp định hợp tác SHTT Việt Nam-Thụy Sỹ (2000) v.v.
Công ty Quốc tế D&N