Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 và những điểm đáng lưu ý
August 26, 2009
-
Sau hơn ba năm ban hành và được đưa vào thực hiện, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Tổng kết những vướng mắc trong quá trình thực thi, bổ sung, làm rõ một số khái niệm đã được đưa ra nhưng chưa rõ ràng, xem xét lại thời hạn thẩm định đơn đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ để phù hợp hơn với thực tiễn, đó là yêu cầu đặt ra khi thực hiện việc sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Đáp ứng nhiệm vụ này, ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 (sau đây được gọi là “Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009”) với những thay đổi cơ bản, trên tất cả các quan hệ xã hội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 thực hiện việc sửa đổi tại 30 điều của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, trên tất cả các lĩnh vực như đối tượng hưởng quyền sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả; việc trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu các đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả; thời gian thẩm định đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp; điều kiện kinh doanh hoạt động sở hữu trí tuệ…. Các sửa đổi đáng lưu ý là:
1. Các sửa đổi liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Điểm đáng lưu ý đầu tiên trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan là quy định sửa đổi về các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 25. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định rõ các trường hợp sử dụng tác phẩm phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, đưa tin thời sự, phục vụ cộng đồng…không nhằm mục đích thương mại, không thu tiền sẽ không phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu tác phẩm. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 có hiệu lực, việc sử dụng các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình và chương trình máy tính để nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân và sao chép một bản để lưu trữ trong thư viện sẽ không thuộc trường hợp này nữa.
Đối với việc sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 26. Theo luật hiện hành, tất cả các trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm có tài trợ, quảng cáo đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo mức thù lao, nhuận bút được quy chuẩn theo quy định của Chính phủ. Sửa đổi điều này, Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 chia việc sử dụng này ra thành hai trường hợp căn cứ vào tính chất sử dụng. Đối với những trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền, tổ chức đó buộc phải trả tiền thù lao, nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức thù lao sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Những trường hợp sử dụng quyền liên quan không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào thìphải trả tiền nhuận bút, thù lao kể từ khi sử dụng, tuy nhiên, mức thù lao, nhuận bút sẽ được áp dụng theo quy định của Chính phủ. Như vậy, Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 đã tính đến mục đích khai thác thương mại các tác phẩm của tổ chức phát sóng để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả. Đây có lẽ là điểm sửa đổi được mong chờ nhất, bảo vệ được quyền lợi của các đối tượng chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan như các nhạc sỹ, các ca sỹ có tác phẩm được thể hiện trong các chương trình phát sóng ca nhạc, tạp kỹ được tài trợ, quảng cáo mà tổ chức phát sóng thu về hàng trăm triệu đồng nhưng bản thân nhạc sỹ, ca sỹ có trực tiếp tác phẩm biểu diễn lại chỉ được trả một khoản rất nhỏ do căn cứ theo quy định của Chính phủ như hiện nay.
Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 đồng thời sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được chia thành ba trường hợp: 50 năm kể từ khi công bố đối với các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh đã công bố; 50 năm kể từ khi được định hình đối với các tác phẩm điện ảnh, sân khấu chưa công bố; các tác phẩm không thuộc hai đối tượng đã nêu và tác phẩm khuyết danh (khi các thông tin về tác giả được xuất hiện) có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết hoặc tác giả cuối cùng chết (trong trường hợp đồng tác giả). Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 đã sửa đổi điều này theo hướng quy định một khoảng thời gian là 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình để chủ sở hữu tác phẩm công bố tác phẩm. Theo đó, các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh đã được công bố, thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi được định hình, thời hạn bảo hộ sẽ là 100 năm kể từ khi tác phẩm được định hình. Tác phẩm sân khấu trước đây được bảo hộ với cơ chế tương tự như đối với tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng nay được chuyển sang cơ chế bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết hoặc tác giả cuối cùng chết (trong trường hợp đồng tác giả); tác phẩm khuyết danh (chưa công bố) khi có thông tin về tác giả xuất hiện cũng được hưởng cơ chế bảo hộ tương tự.
2. Các sửa đổi liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp
Thay đổi quan trọng nhất trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp là điều chỉnh thời hạn thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Thời hạn thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký sáng chế được kéo dài thành không quá 18 tháng (theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, thời hạn này là 12 tháng); đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là không quá 09 tháng (theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, thời hạn này là 06 tháng) và không quá 07 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp (theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, thời hạn này là 06 tháng). Quy định chặt chẽ hơn về thời gian xử lý các loại đơn đăng ký đã nêu, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định rõ thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung các loại đơn không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định tương ứng đã nêu. Có ý kiến cho rằng việc đưa ra thời hạn thẩm định dài hơn này là một bước lùi trong quy trình cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo quan điểm của cơ quan chức năng việc điều chỉnh này là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế, giảm tải đối với cơ quan chức năng và tránh tình trạng hồ sơ đăng ký bị tồn đọng, không đáp ứng được thời hạn theo luật định. Liệu việc thực hiện theo thời hạn thẩm định mới có thực sự hiệu quả trong thực tế không? Cơ quan cấp phép có tuân thủ đúng theo thời hạn và có giải quyết được vấn đề tồn đọng hồ sơ đăng ký như hiện nay hay không? Chế tài xử lý đối với những trường hợp cơ quan nhà nước không tuân thủ thời hạn thẩm định đã nêu vẫn chưa được đề cập đến trong lần sửa đổi này.
Liên quan đến quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 bổ sung quy định về việc đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với “địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam”. Theo đó, kể từ ngày Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 có hiệu lực, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến nguyên tắc nộp đơn đầu tiên tại Điều 90, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 tách biệt rõ quy định liên quan đến các đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp với các đơn đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, việc cấp văn bằng bảo hộ duy nhất khi có nhiều đơn đăng ký sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp được bổ sung trường hợp “có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau”. Việc cấp văn bằng bảo hộ duy nhất cho nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu được bổ sung trường hợp “có nhiều đơn của cùng một ngườiđăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau”. Quy định này được đưa ra nhằm nâng cao tính hữu dụng của các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ, tránh sự chồng chéo do việc cấp các văn bằng bảo hộ khác nhau cho cùng đối tượng có cùng sản phẩm dịch vụ… Đồng thời, việc tách quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu thành các điều khoản riêng biệt đã cụ thể hóa, giúp việc hiểu và thực hiện quy định này của người nộp đơn cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đơn đăng ký được dễ dàng hơn trong thực tế.
Điều 134 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về thời gian xác lập quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp là ““trước ngày đơn đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp được công bố”. Sửa đổi điều này, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 điều chỉnh mốc thời gian này thành “trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp”. Đây là một điều chỉnh hợp lý nhằm bảo hộ tối đa hơn quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Kể từ ngày nộp đơn, thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã được tiết lộ cho một chủ thể khác. Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sẽ không thể kiểm soát được tính bảo mật thông tin đối với sản phẩm trí tuệ của mình, do vậy họ cần phải được đảm bảo rằng kể từ thời điểm đó quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của họ đã phần nào được xác lập, bất kỳ việc sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp nào đồng nhất với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được tạo ra đều có thể là hành vi xâm phạm đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà họ đã đăng ký. Quy định này đặt ra đã thu hẹp phạm vi người được quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tuy nhiên đã cởi bỏ được sự e ngại của những người đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong quá trình đăng ký.
3. Các sửa đổi liên quan đến quyền đối với giống cây trồng
Điểm sửa đổi đáng kể nhất trong các quy định của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 liên quan đến quyền đối với giống cây trồng là việc sửa đổi đối tượng quyền đối với giống cây trồng tại khoản 3, Điều 3 từ “giống cây trồng và vật liệu nhân giống” thành “vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch”. Đồng thời, các khái niệm “vật liệu nhân giống” và “vật liệu thu hoạch” cũng được định nghĩa bổ sung tại hai khoản 25, 26 Điều 4. Các quy định có liên quan đến vấn đề này do vậy cũng được bổ sung, điển hình là quy định tại Điều 186 về quyền của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng đối với cả các “vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ”.
Các đối tượng được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng nêu tại Điều 157 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 cũng được bổ sung thêm “tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở, địa chỉ thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng.” Như vậy, kể từ ngày Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 có hiệu lực, tổ chức, cá nhân không nhất thiết phải mang quốc tịch Việt Nam, hay mang quốc tịch của một quốc gia có ký kết điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng với Việt Nam hay có trụ sở tại Việt Nam mới được hưởng sự bảo hộ. Theo nội dung sửa đổi nêu trên, chỉ cần tổ chức, cá nhân có trụ sở, địa chỉ thường trú hay cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ở một quốc gia có ký kết với nước Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng, Việt Nam cũng sẽ thực thi sự bảo hộ.
4. Các sửa đổi liên quan đến dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ và giám định về sở hữu trí tuệ
(i) Về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại Điều 154. Quy định mới đã bổ sung hợp tác xã vào thành một trong các chủ thể có quyền kinh doanh dịch vụ tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và đưa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam ra ngoài danh sách này. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế, hoạt động như một doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc bổ sung hợp tác xã vào thành một trong các đối tượng được quyền kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là hoàn toàn hợp lý, khuyến khích và động viên được một lực lượng đông đảo hơn tham gia vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang rất phát triển hiện nay.
(ii) Về dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng. Điều 165 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về “Cách thức nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng” được sửa đổi thành “Đăng ký quyền đối với giống cây trồng”, đồng thời cũng có quy định mới được bổ sung.
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành quy định rõ các chủ thể đăng ký quyền đối với giống cây trồng có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam để nộp đơn đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào về “đại diện hợp pháp” được nêu tại điều này do đó việc hiểu khái niệm này chưa có sự thống nhất. Liệu người đại diện được ủy quyền của chủ đơn hay tổ chức, cá nhân được phép hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp là “đại diện hợp pháp” được nói đến? Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 đã giải quyết vấn đề này bằng việc đưa ra quy định mới về “đại diện – quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng” tại khoản 2 Điều 165.
Theo đó, để kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
§ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
§ Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);
§ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng và hoạt động trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:
§ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
§ Thường trú tại Việt Nam;
§ Có bằng tốt nghiệp đại học;
§ Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
§ Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền đối với giống cây trồng;
§ Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
Cũng theo quy định tại điều này, cá nhân có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng chỉ được phép hành nghề khi hoạt động trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
Hiện nay, luật sở hữu trí tuệ hiện hành chỉ đề cập đến khái niệm “đại diện sở hữu công nghiệp” như là một tổ chức đại diện cho tổ chức, cá nhân khác trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp cũng như tư vấn, cung cấp các dịch vụ khác có liên quan đến việc xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp. Quốc hội đang giao Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng, và như vậy cần phải có thêm thời gian để biết được một cách cụ thể liệu các tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp hiện đang hoạt động có được đương nhiên đại diện quyền đối với giống cây trồng hay không.
(iii) Về dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ. Khái niệm “dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ” đã được đề cập đến trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và được hướng dẫn ở Thông tư 01/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (‘Thông tư 01/2008). Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 chỉ đề cập đến khái niệm này như là một trong những hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ cho quá trình giải quyết các tranh chấp trong sở hữu công nghiệp và không có quy định nào đề cập đến điều kiện kinh doanh dịch vụ sở hữu công nghiệp được nêu ở Thông tư 01/2008. Do vậy có thể nói những điểm sửa đổi, bổ sung tại Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 đã luật hóa quy định về điều kiện thực hiện dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ, hoạt động giám định sở hữu trí tuệ từ ngày 01/01/2010 sẽ trở thành một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể:
Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
§ Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
§ Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
§ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
Điều kiện cấp thẻ Giám định sở hữu trí tuệ với cá nhân
§ Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
§ Thường trú tại Việt Nam;
§ Có phẩm chất đạo đức tốt;
§ Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
5. Về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ
Quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính tại khoản 1 điều 211 được bổ sung hành vi “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu” , đồng thời bỏ quy định về hành vi “Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Như vậy, với quy định mới này, chỉ cần một tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu đã có thể bị xử phạt hành chính mà không cần chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải có bất kỳ khuyến cáo nào từ chủ thể mang quyền hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ.
Mức phạt tiền được đề cập trong các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả tại điều 214 cũng được sửa đổi. Theo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 bỏ quy định về việc ấn định mức tiền phạt “ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được” và đưa hình thức phạt tiền sang áp dụng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Với quy định này đã thống nhất hóa quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với việc xử lý vi phạm hành chính nói chung. Do vậy, hạn mức xử lý vi phạm “không vượt quá năm lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được” nêu trên được thay thế bằng mức phạt tối đa 500 triệu đồng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, các điều khoản chuyển tiếp thể hiện rõ việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ theo văn bằng bảo hộ được cấp trước ngày luật này có hiệu lực sẽ được áp dụng theo các quy định mới, ngoại trừ việc xác định “căn cứ huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ đó” và quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa ban hành theo quy định pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 có hiệu lực.
Lần sửa đổi này đã có những điều chỉnh khá toàn diện trên tất cả quan hệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tuy nhiên nhìn chung các sửa đổi được đưa ra vẫn chỉ mang tính chất vá víu những thiếu sót của luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Để có được những quy định mới, thực sự sâu sắc và có ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động sở hữu trí tuệ ở các lần sửa đổi tiếp theo, trách nhiệm không chỉ ở những nhà làm luật mà còn ở tinh thần tích lũy, tổng kết thiếu sót và đề xuất các cải tiến của những người trực tiếp sử dụng pháp luật sở hữu trí tuệ và va chạm với thực tế như chúng ta.
D&N International