Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

adminquantri - January 22, 2015
Như D&N International đã đưa tin, Nghị định 99/2013/NĐ-CP (« Nghị định 99 ») quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) đã được chính phủ ban hành ngày 29/08/2013 và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2013, thay thế cho Nghị định 97/2010/NĐ-CP (« Nghị định 97 ») ngày 21/09/2010.
 

Cần nhắc lại rằng Luật xử lý vi phạm hành chính mới chỉ được Quốc hội thông qua từ năm ngoái, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013 (trước khi có luật này, các quy định về xử lý vi phạm hành chính được điều chỉnh bởi Pháp lệnh). Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính được ra đời, tất cả các văn bản pháp quy hướng dẫn việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đều phải được sửa đổi để phù hợp với đạo luật mới này. Vì vậy, trong vài tháng qua, Chính phủ đã thực hiện việc sửa đổi, ban hành một loạt các nghị định về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Nghị định 99 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHCN được ra đời trong bối cảnh như vậy.

 
Về cơ bản, Nghị định 99 kế thừa nội dung của nghị định 97 trước đây, với các sửa đổi không mang tính đột phá. Tuy nhiên, vì hiện tại biện pháp hành chính vẫn là biện pháp được coi là hiệu quả và nhanh chóng nhất để các chủ sở hữu thực thi quyền SHCN của mình tại Việt Nam, Nghị đinh 99 vẫn đáng được quan tâm, đặc biệt là khi một số điều khoản của Nghị định 99 thực ra ít có lợi hơn cho các chủ sở hữu quyền SHCN so với  Nghị định 97 trước đây.
 
Sau đây là một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định 99 so với Nghị định 97:
 1. Thay đổi các mức tiền phạt: Có thể nói, điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định 99 so với Nghị định 97 trước đây là việc quy định hai mức phạt tiền khác nhau tùy theo đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức (để phù hợp với quy định tại Điều 3.1.e, Luật xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, tổ chức vi phạm phải chịu mức phạt cao gấp đôi so với cá nhân cho cùng một hành vi vi phạm. Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN vẫn là 500 triệu đồng, nhưng mức này sẽ chỉ áp dụng cho đối tượng vi phạm là tổ chức, còn đối với cá nhân thì mức phạt tối đa sẽ chỉ là 250 triệu đồng (trong khi theo Nghị định 97 trước đây thì mức xử phạt tối đa 500 triệu đồng được áp dụng chung không phân biệt cá nhân hay tổ chức).

2. Tăng mức phạt tiền đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN
: Nghị định 99 nâng mức phạt tiền đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh lên ngang bằng với mức phạt tiền đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN. Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm vượt quá 500 triệu đồng (Theo Nghị định 97 trước đây thì mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 70 triệu đồng).

3. Thời gian bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động kinh doanh không vượt quá 3 tháng:
Cũng như trước đây, tùy theo mức độ vi phạm, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, và/hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị định 99 đã thống nhất giới hạn thời hạn áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm là từ 1 đến 3 tháng, kể cả đối với hành vi « sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý »(trong khi theo Nghị định 97 trước đây, hành vi vi phạm nói trên có thể bị áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 3 đến 6 tháng).

4. Mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan thực thi, đặc biệt là hải quan và quản lý thị trường:
Nghị định 99 mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan thực thi, bao gồm Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Cơ quan công an và Ủy ban nhân dân các địa phương. Theo đó, thủ trưởng của tất cả các cơ quan thực thi nói trên đều có thẩm quyền phạt tiền đến mức tối đa là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức (trong khi theo Nghị định 97 trước đây,  chỉ thủ trưởng cơ quan Thanh tra Khoa học Công Nghệ, Công an và Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền áp dụng mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng – các cơ quan khác chỉ có thẩm quyền áp dụng mức phạt tối đa là 70 triệu đồng). 

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác là việc Nghị định 99 loại bỏ Cục Cạnh tranh ra khỏi danh sách các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHCN (theo Nghị định cũ 97/2010 thì Cục Cạnh tranh có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh).

5. Điều khoản về thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt:
Nghị định 99 quy định rõ hơn về thủ tục cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt hành chính có áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả như buộc phải đổi tên doanh nghiệp và/hoặc trả lại tên miền. Theo đó, trong trường hợp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền buộc phải đổi tên trong giấy phép kinh doanh hoặc trả lại tên miền do vi phạm quyền SHCN, đối tượng vi phạm sẽ phải tự tiến hành thủ tục đổi tên tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 60 ngày, hoặc thủ tục trả lại tên miền tại cơ quan quản lý tên miền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Quá thời hạn trên, nếu đối tượng vi phạm không tự tiến hành các thủ tục đó, thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan quản lý tên miền thi hành việc thu hồi giấy phép kinh doanh, tên miền. Cần nhắc lại rằng Nghị định 97 trước đây cũng đã quy định cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý tên miền có trách nhiệm thực hiện yêu cầu ghi trong quyết định hành chính về buộc chấm dứt hành vi vi phạm, tuy nhiên, chưa quy định rõ về thủ tục thực hiện, dẫn đến việc khó thực thi trên thực tế.

6. Bỏ quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính:
Nghị định 97 trước đây cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính trong trường hợp hành vi vi phạm có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng hoặc xã hội, tang vật vi phạm có nguy cơ bị tẩu tán, đối tượng vi phạm có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm (Điều 32). Tuy nhiên, đáng tiếc là điều này đã không được giữ lại trong Nghị định 99.   

7. Điều khoản chuyển tiếp:
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN xảy ra trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.