Một số cải tiến về xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP
Theo số liệu thống kê qua các năm có thể thấy rằng 90% các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sở hữu công nghiệp (“SHCN”) tại Việt Nam được giải quyết bằng biện pháp xử phạt hành chính, là thủ tục thuộc thẩm quyền của các cơ quan thực thi hành chính như Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân các cấp hoặc Quản lý Thị trường. Điều này tạo nên sự khác biệt trong hoạt động thực thi và bảo vệ quyền SHCN tại Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Trên thực tế, 9 năm thực thi quyền SHCN theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (ban hành năm 2013) đã cho phép Việt Nam đạt được kết quả nhất định trong việc thực thi quyền SHCN, nhưng cũng làm bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (“Luật XLVPHC”) được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong bối cảnh như vậy, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của biện pháp hành chính trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và phù hợp với những sửa đổi của Luật XLVPHC, ngày 30/12/2021, chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP (“Nghị định 126”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN (“Nghị định 99”). Nghị định 126 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Các sửa đổi đáng chú ý
Mặc dù phần lớn các quy định khung về xử lý hành chính vi phạm quyền SHCN của Nghị định cũ số 99 vẫn được giữ nguyên, Nghị định 126 sửa đổi, bổ sung Nghị định 99 có một số đổi mới đáng lưu ý như việc tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm, làm rõ và quy định chi tiết hơn về các hành vi có thể bị xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng, cũng như mở rộng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
1. Về việc tăng mức tiền xử phạt:
Với Luật XLVPHC mới được sửa đổi, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ đã được ấn định là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Do vậy, mức tiền phạt cao nhất cho các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với cá nhân và tổ chức (bao gồm pháp nhân) vẫn không có gì thay đổi.
Đáng lưu ý, Nghị định 126 tăng đáng kể mức tiền xử phạt cho một số hành vi như vi phạm về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm về đại diện SHCN và vi phạm về giám định SHCN. Trong đó, các chủ thể quyền cần đặc biệt chú ý tới quy định tăng mức tiền xử phạt từ tối đa 1.000.000 đồng trước đây lên mức tối đa 20.000.000 đồng hiện nay (gấp 20 lần) cho các hành vi: chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền SHCN, chủ thể quyền SHCN, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý (điển hình như việc sử dụng biểu tượng ® cho nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ), chỉ dẫn sai về phạm vi bảo hộ; chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng li-xăng.
2. Về việc làm rõ, cụ thể hơn các hành vi vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả:
Các sửa đổi này không mang tính đột phá, chủ yếu bao gồm các sửa đổi về câu chữ và việc thêm các chi tiết làm rõ nhằm mục đích giảm thiểu khả năng điều khoản có thể bị hiểu theo nhiều cách khác nhau, như vậy tạo điều kiện cho các chủ sở hữu quyền, cũng như các cơ quan thực thi khác nhau áp dụng một cách thống nhất và dễ dàng hơn.
3. Về việc mở rộng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:
Quy định trước đây chỉ cho phép cơ quan cấp có thẩm quyền được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị không vượt quá mức phạt tiền vi phạm. Nay, phù hợp với Luật XLVPHC sửa đổi, Nghị định 126 quy định chi tiết, rõ ràng tổng giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu lên mức gấp đôi mức phạt tiền vi phạm. Quy định này được chờ đợi sẽ tăng hiệu quả thực thi một cách đáng kể cho các chủ sở hữu quyền SHCN.
Đặc biệt đáng chú ý là Nghị định 126 đã quy định rõ về trách nhiệm của Cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và trách nhiệm của Cơ quan quản lý tên miền trong việc thu hồi tên miền trong trường hợp có vi phạm quyền SHCN.
Mặc dù Nghị định 126 được chờ đợi sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHCN bằng biện pháp hành chính trong thời gian tới, các nhà quan sát vẫn chờ đợi đổi mới đột phá hơn với kế hoạch sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ. Dự án sửa đổi luật này hiện đang được chính phủ hoàn thiện và theo kế hoạch có thể được ban hành trong năm nay.