Nhãn hiệu là gì?
Khái niệm Nhãn hiệu trong Luật SHTT
Nhãn hiệu là Dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau
Trong cuộc sống hàng ngày, một việc rất thường thấy là bạn vào một cửa hàng để mua một món hàng. Tại sao bạn quyết định mua món hàng đó không một chút ngần ngại trong khi có rất nhiều hàng cùng loại bày trên giá ? Có thể bạn quyết định chọn mua do giá cả của nó, nhưng có thể là bạn đã mua món hàng đó trước đây và thoả mãn với chất lượng của món hàng đó hoặc đơn giản là bạn tin tưởng vào nhà sản xuất.
Làm thế nào bạn chọn đúng được loại hàng hoá mà mình ưa thích? Rất đơn giản là bạn nhìn vào những Dấu hiệu mà nhà sản xuất ghi trên hàng hoá. Các Dấu hiệu này khác biệt với các Dấu hiệu được ghi trên hàng hoá cùng loại của các nhà sản xuất khác. Nhờ Dấu hiệu này bạn có thể dễ dàng phân biệt được hàng hoá mình ưa thích với các hàng hoá cùng loại khác. Dấu hiệu này dẫn bạn đến hàng hoá bạn thích giữa các hàng hoá cùng loại được bày bán trên giá. Dấu hiệu này chính là nhãn hiệu của hàng hóa.
Vậy, nhãn hiệu là Dấu hiệu mà một doanh nghiệp sử dụng đối với hàng hoá của mình để phân biệt hàng hoá cùng loại của các doanh nghiệp khác. Theo Luật SHTT Việt Nam, nhãn hiệu phải là Dấu hiệu nhìn thấy được, như vậy âm thanh, mùi không phải là nhãn hiệu., Dấu hiệu này có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc một tổ hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc khác nhau.
Nhãn hiệu dịch vụ: tương tự như nhãn hiệu đối với sản phẩm, nhãn hiệu dịch vụ là Dấu hiệu mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như ngân hàng, công ty luật, công ty xây dựng sử dụng cho các dịch vụ của mình để phân biệt dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Nhãn hiệu dịch vụ được bảo hộ dưới Luật SHTT, các quy phạm phạm luật liên quan đến nhãn hiệu cho sản phẩm cũng được áp dụng cho nhãn hiệu dịch vụ. Tuy nhiên, trong Luật SHTT thuật ngữ “nhãn hiệu dịch vụ” không được sử dụng. Thay vào đó, thuật ngữ “nhãn hiệu” trong Luật SHTT được dùng chung để chỉ cả nhãn hiệu cho sản phẩm lẫn nhãn hiệu cho dịch vụ.
Luật SHTT có nêu định nghĩa về các loại nhãn hiệu đặc biệt sau đây:
Nhãn hiệu tập thể: trong trường hợp doanh nghiệp của bạn và một số doanh nghiệp khác cùng sử dụng một nhãn hiệu, cho cùng một hoặc một số loại sản phẩm, thì khi nộp đơn các doanh nghiệp này phải cử một người đại diện nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu đó được gọi là nhãn hiệu tập thể do đặc tính nhãn hiệu được một tập thể sử dụng.
Nhãn hiệu chứng nhận: một loại nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu này cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu thì được gọi là nhãn hiệu cho đặc tính “chứng nhận” của nó.
Nhãn hiệu liên kết: khi bạn đăng ký nhiều nhãn hiệu tương tự nhau cho các sản phẩm tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau hoặc bạn đăng ký các nhãn hiệu trùng nhau sử dụng cho các sản phẩm dịch vụ tương tự nhau thì nhãn hiệu đó được gọi là nhãn hiệu liên kết. Nghĩa là trong trường hợp này, các xét nghiệm viên không dựa trên những nhãn hiệu trùng hoặc nhãn hiệu tương tự đã đăng ký của bạn làm cơ sở để từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho các nhãn hiệu sau của bạn.
Nhãn hiệu nổi tiếng: khi nhãn hiệu của bạn được sử dụng một cách liên tục cho các sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng tín nhiệm, nhờ quá trình sử dụng nhãn hiệu như vây, nhãn hiệu của bạn được biết đến một cách rộng rãi, thì nhãn hiệu của bạn trở thành nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ theo một cơ chế đặc biệt như không đăng ký mà vẫn được bảo hộ, được bảo hộ đối với bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào bất kể chúng có tương tự hay không. Tuy nhiên, việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng là rất khó khăn.