Quy định mới về thủ tục xác lập quyền đối với sáng chế – Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
February 11, 2009
-
Ngày 14/02/2007 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (« Thông tư 1/2007 ») hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006 ngày 22/09/2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN. Thông tư 01/2007 gồm 5 chương, nhưng có thể coi chương I quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN là chương chủ đạo vì chiếm trên 4/5 khối lượng văn bản. Chương này bao gồm những quy định chung về thủ tục xác lập quyền, áp dụng cho tất cả các đối tượng SHCN bao gồm sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đồng thời có những quy định riêng đối với từng đối tượng SHCN nói trên. Thông tư 1/2007 thay thế cho ba thông tư cũ của Bộ KH&CN quy định về thủ tục xác lập quyền SHCN, cụ thể là Thông tư số 3055 ngày 31/12/1996 và các thông tư số 29 và 30 ngày 05/11/2003.
Như vậy, chưa đầy một năm kể từ khi Luật SHTT có hiệu lực tại Việt nam, các văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành đầy đủ. Nhìn chung, thông tư 1/2007 đã tập hợp một cách có hệ thống các quy định nằm rải rác tại nhiều văn bản trước đây, đồng thời bổ sung một số khái niệm mới và cụ thể hóa một số kinh nghiệm thực tiễn của Cục SHTT trong việc xét nghiệm đơn. Kể từ bản tin số này, Công ty Quốc tế D&N sẽ giới thiệu những quy định mới tại Thông tư 1-2007 trong loạt bài viết về thủ tục xác lập quyền đối với từng đối tượng SHCN.
Liên quan đến sáng chế, cần nhắc lại rằng trước đây thủ tục xác lập quyền đối với sáng chế được quy định tại thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 5/11/2003 của Bộ KH&CN hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền SHCN đối với sáng chế/giải pháp hữu ích (thay thế thông tư 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996). So với các văn bản trước đây, thông tư 1-2007 có các điểm mới đáng chú ý sau:
1. Quy định riêng về sáng chế thuộc một số lĩnh vực đặc biệt
Thông tư 30 chưa có quy định riêng về sáng chế liên quan đến dược phẩm và sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống. Thông tư 1/2007 quy định một số yêu cầu bổ sung đối với các loại sáng chế nói trên. Theo đó, bản mô tả sáng chế liên quan đến dược phẩm phải đáp ứng các yêu cầu chung như sáng chế thuộc lĩnh vực khác, ngoài ra phải nêu kết quả của các thử nghiệm lâm sàng và tác dụng dược lý của dược phẩm, và ít nhất phải bao gồm các thông tin sau: (i) chất/hỗn hợp được sử dụng; (ii) phương pháp thử nghiệm được sử dụng; (iii) kết quả thử nghiệm và (iv) mối tương quan giữa kết quả về tác dụng dược lý thu được trong thử nghiệm với ứng dụng thực tế của dược phẩm trong phòng, chuẩn đoán, điều trị bệnh (điều 23.10).
Đối với sáng chế liên quan đến nguồn gen và/hoặc tri thức truyền thống, đơn xin đăng ký phải bao gồm tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen và/hoặc tri thức truyền thống đã được tiếp cận. Nếu tác giả sáng chế hoặc người nộp đơn không xác định được nguồn gốc thì phải nêu rõ như vậy và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của tuyên bố đó (điều 23.11).
Yêu cầu đối với đơn đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học theo thông tư 1/2007 nhìn chung không có nhiều thay đổi so với Thông tư 30. Tuy nhiên, liên quan đến yêu cầu nộp lưu mẫu vật liệu sinh học, trước đây Cục SHTT không phân biệt mẫu được nộp ở Việt nam hay ở nước ngoài, chỉ cần mẫu đó được nộp ở một cơ quan lưu giữ do Bộ KH&CN chỉ định. Thông tư 1/2007 quy định đối với mẫu vật đã nộp lưu ở nước ngoài, Cục SHTT có thể yêu cầu người nộp đơn nộp lưu bổ sung mẫu vật liệu sinh học tại Việt nam, nếu xét thấy cần thiết để làm rõ bản chất của đối tượng được yêu cầu bảo hộ hoặc để đáp ứng yêu cầu của bên thứ ba về việc tiếp cận đối tượng đó (điều 23.9.e).
2. Quy định về thẩm định nội dung đơn
Thông tư 1/2007 xác định cách đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại văn bằng bảo hộ sáng chế, trong đó đối tượng nêu trong đơn được coi là không phù hợp với văn bằng nếu đối tượng đó không phải là giải pháp kỹ thuật, cụ thể không phải là sản phẩm hoặc quy trình. Đối tượng trong đơn không được coi là Giải pháp kỹ thuật nếu: (i) đối tượng chỉ là ý tưởng, chỉ nêu vấn đề mà không giải quyết, không trả lời được câu hỏi «bằng cách nào»/ «bằng phương tiện gì»; (ii) vấn đề được đặt ra để giải quyết không phải là vấn đề kỹ thuật và không thể giải quyết bằng cách thức kỹ thuật; (iii) các sản phẩm tự nhiên, không phải là sản phẩm sáng tạo của con người (điều 25.3).
Thông tư 1/2007 cũng nêu rõ cách đánh giá các tiêu chí để sáng chế được bảo hộ. Cụ thể là:
a) Về tính mới: Để đánh giá tính mới cần phải tra cứu nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc bao gồm: (i) đơn nộp vào Cục SHTT có cùng chỉ số phân loại tính đến chỉ số phân lớp và ngày nộp đơn sớm hơn; (ii) các đơn/văn bằng do các tổ chức/quốc gia khác công bố trong vòng 25 năm trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên; (iii) nếu cần có thể tra cứu các báo cáo khoa học lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Mục đích tra cứu là tìm giải pháp kỹ thuật có bản chất tương tự hoặc trùng với giải pháp trong đơn. Báo cáo tra cứu phải ghi rõ lĩnh vực tra cứu, phạm vi tra cứu, kết quả tìm kiếm, người tra cứu, đồng thời phải thể hiện kết luận về tra cứu. Sau đó đánh giá tính mới bằng cách tiến hành so sánh các dấu hiệu cơ bản của giải pháp nêu trong đơn với giải pháp được tìm thấy trong quá trình tra cứu. Giải pháp được coi là có tính mới nếu: (i) không tìm thấy giải pháp kỹ thuật đối chứng hoặc (ii) giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn có ít nhất một dấu hiệu cơ bản không có trong giải pháp kỹ thuật đối chứng (điều 25.5).
b) Về trình độ sáng tạo: Để đánh giá trình độ sáng tạo cần phải tra cứu nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc. Trình độ sáng tạo được xác định bằng cách đánh giá dấu hiệu cơ bản khác biệt nêu trong yêu cầu bảo hộ. Giải pháp kỹ thuật không có trình độ sáng tạo nếu (nhưng không chỉ giới hạn ở) tập hợp dấu hiệu cơ bản khác biệt mang tính hiển nhiên hoặc đã được bộc lộ trùng hoặc tương đương với giải pháp kỹ thuật đã biết; giải pháp kỹ thuật là sự kết hợp đơn giản của các giải pháp kỹ thuật đã biết (điều 25.6).
c) Về khả năng áp dụng công nghiệp: Giải pháp được coi là có khả năng sử dụng công nghiệp nếu: (i) thông tin về bản chất và các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật được trình bày đầy đủ rõ ràng đến mức một người có trình độ trung bình thực hiện được giải pháp đó, và (ii) việc thực hiện giải pháp có thể được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống kết quả trong bản mô tả. Giải pháp không được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu: (i) giải pháp đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học; (ii) đối tượng bao gồm các yếu tố không có mối liên hệ với nhau; (iii) đối tượng chứa mâu thuẫn nội tại; (iv) chỉ có thể thực hiện được một số lần giới hạn; (v) để thực hiện giải pháp phải là người có kỹ năng đặc biệt; (vi) kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất hoặc không giống kết quả trong đơn; (vii) thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp (điều 25.4).
c) Về khả năng áp dụng công nghiệp: Giải pháp được coi là có khả năng sử dụng công nghiệp nếu: (i) thông tin về bản chất và các chỉ dẫn về điều kiện kỹ thuật được trình bày đầy đủ rõ ràng đến mức một người có trình độ trung bình thực hiện được giải pháp đó, và (ii) việc thực hiện giải pháp có thể được lặp đi lặp lại với kết quả giống nhau và giống kết quả trong bản mô tả. Giải pháp không được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu: (i) giải pháp đi ngược lại các nguyên lý cơ bản của khoa học; (ii) đối tượng bao gồm các yếu tố không có mối liên hệ với nhau; (iii) đối tượng chứa mâu thuẫn nội tại; (iv) chỉ có thể thực hiện được một số lần giới hạn; (v) để thực hiện giải pháp phải là người có kỹ năng đặc biệt; (vi) kết quả thu được từ các lần thực hiện không đồng nhất hoặc không giống kết quả trong đơn; (vii) thiếu các chỉ dẫn quan trọng nhất để thực hiện giải pháp (điều 25.4).
D&N International