Sau 5 năm thực hiện, và 2 lần sửa đổi, ngày 20/02/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN (“TT 05/2013”) một lần nữa sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 (“TT 01/2007”) hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (SHCN). TT 05/2013 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/04/2013.
Liên quan đến thủ tục xác lập quyền SHCN, TT 05/2013 có các điểm mới đáng chú ý như sau:
- Về thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký quyền SHCN:
Theo điều 13.8b) TT 01/2007 trước đây, trong trường hợp người nộp đơn chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT tiến hành sửa chữa, bổ sung tài liệu thì thời hạn thẩm định hình thức được kéo dài “bằng khoảng thời gian dành cho việc sửa chữa, bổ sung tài liệu”, nhưng không quy định rõ cách tính thời gian cho việc sửa chữa bổ sung tài liệu này. TT 05/2013 làm rõ hơn cách tính thời gian sửa chữa, bổ sung tài liệu nói trên, bằng việc chia ra 3 trường hợp như sau:
(i) trường hợp người nộp đơn chủ động yêu cầu sửa đổi bổ sung tài liệu thời gian sửa chữa, bổ sung tài liệu được tính là 10 ngày;
(ii) trường hợp Cục SHTT yêu cầu người nộp đơn sửa đổi bổ sung tài liệu, và người nộp đơn có phản hồi, thời gian sửa chữa, bổ sung tài liệu được tính là thời gian từ ngày ra thông báo đến ngày người nộp đơn phản hồi thông báo cộng thêm 10 ngày;
(iii) trường hợp Cục SHTT yêu cầu người nộp đơn sửa đổi bổ sung tài liệu, nhưng người nộp đơn không có phản hồi, thời gian sửa chữa, bổ sung tài liệu được tính là thời hạn ấn định trong thông báo.
- Về việc kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên:
Đối với đơn đăng ký Sáng chế, Điều 25.7 TT 01/2007 trước đây quy định rằng để kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Cục SHTT sẽ tiến hành tra cứu để “tìm ra (các) đơn đăng ký cùng một sáng chế và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất”. TT 05/2013 quy định cụ thể hơn bằng cách thay khái niệm “(các) đơn đăng ký cùng một sáng chế” thành“nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau”. Đáng tiếc là Thông tư mới đã không đưa ra giải thích thế nào là sáng chế tương đương. Cần nhắc lại rằng, mặc dù khái niệm “sáng chế tương đương” được đưa ra lần đầu tiên khi Luật SHTT được sửa đổi vào năm 2009, nhưng cho đến nay, khái niêm này vẫn chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật cũng như trên thực tế. Tuy nhiên, với sửa đổi lần này trong TT 05/2013, chúng ta có thể hy vọng thực tiễn xét nghiệm sắp tới của Cục sẽ có thể tạo ra một tiền lệ cho việc cụ thể hóa khái niệm quan trọng này.
Đối với các đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp (KDCN), TT 05/2013 cũng đã sửa đổi điều 39.5 về kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Tuy nhiên, các sửa đổi này chủ yếu là sửa câu chữ và cách trình bày cho sáng sủa, chính xác hơn, và đồng thời cũng thống nhất hơn với quy định về việc kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với sáng chế. Cụ thể, điều 39.5.b) được sửa đổi như sau: “Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) đăng ký các kiểu dáng công nghiệp của bộ phận sản phẩm và/hoặc sản phẩm trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau; và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất”.
Cũng tương tự như vậy, để các quy định về kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với nhãn hiệu cũng thống nhất với các quy định về cùng về vấn đề cho sáng chế và KDCN, điều 39.10 của TT 01/2007 đã được bổ sung các quy định cụ thể hơn và chi tiết hơn. Thực tế, các quy định bổ sung trong điều này chỉ là việc văn bản hóa thực tiễn mà hiện nay Cục vẫn áp dụng. Cụ thể, điều 39.10.b) mới sửa đổi như sau: “Việc tra cứu là để tìm ra trường hợp có nhiều đơn (kể cả đơn đang được thẩm định) của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau, hoặc có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau; và xác định đơn có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất”.
- Liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản đia phương Việt Nam:
Trước đây, theo điểm 37.7 của TT 01/2007, để đăng ký “nhãn hiệu chứng nhận mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý”, người nộp đơn phải nộp giấy phép của “chính quyền địa phương” cho phép đăng ký nhãn hiệu như vậy, nhưng không quy định rõ cơ quan địa phương nào có thẩm quyền cấp giấy phép này. Như vậy, điểm mới của TT 05/2013 là đã quy định rõ cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản cho phép đăng ký “nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam” là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, theo TT 05/2013, tài liệu bắt buộc phải nộp để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý bao gồm “Bản đồ khu vực địa lý” thay cho “Bản đồ xác định lãnh thổ” theo yêu cầu trước đây. Thêm vào đó, “Bản đồ khu vực địa lý” này phải thể hiện đầy đủ thông tin tới mức có thể xác định chính xác vùng địa lý và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan.
Cuối cùng, một điểm mới nữa của TT 05/2013 là lần đầu tiên đưa ra quy định về tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm tại điểm 37.8 (không có trong TT 01/2007). Theo đó, dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm là “dấu hiệu dùng cho sản phẩm của địa phương và có ý nghĩa chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm (chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc từ địa phương đó”. Định nghĩa trên được đi kèm với các giải thích cùng các ví dụ tương đối cụ thể về các trường hợp dấu hiệu có thể được bảo hộ và không được bảo hộ.