Tóm tắt thông tin về tình hình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

adminquantri - April 14, 2021

Nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành và nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam hiện nay đang thực hiện dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là “Dự án luật”).

Theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan xây dựng Dự án luật, trình Chính phủ vào tháng 6/2021.

Dự thảo Luật đã được đăng tải trên công thông tin điện tử của Chính Phủ và bộ khoa học công nghệ (https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=822) để lấy ý kiến rộng rãi bằng văn bản. Ngoài ra, rất nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để Ban soạn thảo trao đổi và ghi nhận ý kiến trực tiếp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về Dự án luật. Bản dự thảo luật sửa đổi và/hoặc bổ sung 80 điều của 14 chương của Luật SHTT hiện hành, dự kiến sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật SHTT sẽ có 18 chương và 235 điều, tăng 13 điều mới so với Luật SHTT hiện hành.

Về phía Công ty TNHH Quốc tế D&N, ngày 9 tháng 12 năm 2020, công ty đã gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ công văn đóng góp ý kiến sửa đổi Luật SHTT, cụ thể là các Điều 74 (về các trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt), 87 (về Quyền đăng ký nhãn hiệu), 96 (về Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ), 112 (về Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ), và 117 (về Từ chối cấp văn bằng bảo hộ). Đáng lưu ý, trong số các ý kiến góp ý của mình, Công ty TNHH Quốc tế D&N nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ căn cứ phản đối, hủy bỏ hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ SHCN trong trường hợp người nộp đơn không trung thực để việc áp dụng luật trên thực tế được rõ ràng, hiệu quả hơn.

Được biết, Chính phủ dự kiến trình Dự thảo Luật sửa đổi lên UBTVQH vào tháng 8/2021 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 năm 2021.

Xem thêm tại

http://noip.gov.vnhttps://www.most.gov.vn/