”Văn bằng SHCN như tấm visa để sản phẩm xâm nhập thị trường”, một ví dụ về chức năng thúc đẩy kinh doanh của quyền SHCN

adminquantri - April 13, 2010

Quyền SHTT ngoài việc tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua độc quyền sử dụng đối tượng SHTT, còn có chức năng quan trọng khác là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như một nhân viên Marketing siêu hạng. Câu chuyện sau đây về thành công của Viện Công Nghệ trong việc đăng ký các quyền SHTT liên quan đến đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KC.06.15 là một ví dụ điển hình về vấn đề này.  

Luật SHTT 2005 đã có hiệu lực từ ngày 1, tháng 7, năm 2006, nhưng rất nhiều cá nhân, tổ chức Việt Nam, bao gồm các nhà khoa học, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đăng ký các quyền SHTT. Các lợi ích của việc đăng ký các quyền SHTT mang lại cho đề tài nghiên cứu khoa học KC.06.15 có thể mang lại hiểu biết sâu hơn về việc đăng ký các quyền SHTT.

Tiến sỹ Đỗ Quốc Quang, phó giám đốc Viện Công Nghệ (RITM) đồng thời là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KC.06.15, cho biết mục đích của đề tài là thiết kế và chế tạo dây truyền sản xuất tấm lợp không amiăng. Đề tài cấp nhà nước KC.06.15 bắt đầu vào năm 2003 và hoàn thành năm 2005. Tiến sỹ Quang nói, với sự giúp đỡ của Công ty Quốc tế D&N, các quyền SHTT của đề tài KC.06.15 đã được đăng ký để được Nhà nước bảo hộ.

Sau khi đề tài KC.06.15 được đưa vào sản xuất, rất nhiều công ty của Việt Nam và nước ngoài đặt hàng cho Viện Công Nghệ để mua dây truyền và công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng. Tháng 11 năm 2007, Viện Công Nghệ đã bán dây truyền sản xuất tấm lợp không amiăng hai triệu mét vuông một năm cho công ty Tân Thuận Cường ở tỉnh Hải Dương. Đây là dây truyền công nghệ cao sản xuất tấm lợp không amiăng chất lượng cao ở Việt Nam. Sáu tháng sau, dây truyền này đã đi vào sản xuất, và sản phẩm tấm lợp không amiăng đạt các tiêu chuẩn chất lượng JIS A5430:2004 và JIS A1481:2006 Nhật Bản và KSL 5114:2003 Hàn Quốc.

Thông qua sự hợp tác của Công ty Quốc tế D&N, đề tài KC.06.15 đã đăng ký và đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng SHCN: nhãn hiệu FX-BRO, hai bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho hai mẫu thiết kế dây truyền và bằng độc quyền sáng chế cho dây truyền và công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng.

Đề tài KC.06.15 đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường sau khi đã được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ các quyền SHTT. Ngay sau khi đề tài được công bố và có các sản phẩm thử nghiệm, rất nhiều công ty từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Philippin, Indonesia và các nước khác đến Viện Công Nghệ thương thảo hợp đồng mua dây truyền và công nghệ này.

Điều thực sự ấn tượng là, trước khi đi đến quyết định mua công nghệ, tất cả các khách hàng này đều muốn tận mắt xem các văn bằng quyền SHTT của đề tài KC.06.15. Và họ rất vui mừng khi tận mắt thấy các văn bằng này, chứng tỏ rằng dây truyền sản xuất và công nghệ họ sẽ mua thực sự có chất lượng và uy tín. Tiến sỹ Quang nói rằng các văn bằng SHTT như là tấm “VISA” để dây truyền và công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng của Viện Công Nghệ xâm nhập thị trường, cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài, và các văn bằng bảo hộ quyền SHTT này thu hút khách hàng. Nhờ đề tài KC.06.15, hiện nay Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia châu Á (sau Nhật Bản) trong lĩnh vực dây truyền và công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng.

Viện Công Nghệ được thành lập năm 1975 và đã hoàn thành hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng đề tài KC.06.15 là đề tài đầu tiên thực hiện việc đăng ký các quyền SHTT. Điều này cho thấy rằng việc đăng ký quyền SHTT chưa được quan tâm một cách đúng mức ở Việt Nam. Câu chuyện về việc đăng ký các quyền SHTT cho đề tài KC.06.15 và các lợi ích của việc đăng ký các quyền này mang lại cho đề tài KC.06.15 và các chủ sở hữu của nó chứng minh rằng việc đăng ký các quyền SHTT có vai trò rất quan trọng sống còn đối với các đề tài nghiên cứu khoa học.

                                                                                                Theo Báo kinh tế đối ngoại