Vấn đề thực thi quyền SHTT ở Việt Nam : Chủ sở hữu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền

adminquantri - October 6, 2009
Trong hệ thống SHTT Việt Nam hiện hành, việc thực thi quyền SHTT là khâu yếu nhất làm nản lòng các chủ sở hữu. Hiện nay, việc đổi mới hệ thống SHTT cần tập trung vào việc nâng cao tính hiệu quả của việc thực thi quyền SHTT. Vì chỉ có thực thi một cách hiệu quả quyền SHTT, thì quyền của chủ sở hữu mới được đảm bảo và Luật SHTT mới góp phần thúc đẩy nền kinh tế và khoa học kỹ thuật của đất nước phát triển.

Luật SHTT mới đã cố gắng cải thiện và khắc phục tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn nhau giữa các quy định trong rất nhiều loại văn bản khác nhau gây khó khăn cho việc thực hiện. Luật mới và các văn bản hướng dẫn thi hành cố gắng quy định các biện pháp thực thi không chỉ phù hợp hơn mà còn minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện hơn.

Đặc biệt lưu ý rằng, mong muốn của các nhà làm luật là làm cho các thủ tục giải quyết và chế tài dân sự trở nên minh bạch và có sức hấp dẫn hơn đồi với chủ sở hữu quyền SHTT, những người cho đến nay vẫn tránh đưa các vụ khiếu kiện quyền SHTT ra giải quyết trước tòa dân sự. Ngoài các chế tài dân sự đã có như buộc tiêu hủy hàng giả hoặc hàng vi phạm, buộc chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại v.v. hiện nay tòa án còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo Luật SHTT, các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm các biện pháp quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự như tịch biên, kiểm kê và niêm phong hàng hóa nghi là vi phạm. Luật SHTT cũng đã làm rõ cách thức định lượng bồi thường thiệt hại. Theo luật này, thiệt hại vật chất được xác định trên cơ sở tổn thất trên thực tế, luật cũng định rõ bên có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng trong vụ án dân sự.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập các thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và hình sự minh bạch và phù hợp hơn, các nhà làm luật vẫn cố gắng tiếp tục cải thiện các biện pháp xử lý hành chính. Hiện nay, biện pháp này được chủ sở hữu ưa thích hơn vì họ cho đây là biện pháp nhanh nhất trong việc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền SHTT. Các nhà làm luật đã chú ý rất nhiều đến việc cải tiến các thủ tục xử lý vi phạm hành chính và cố gắng gia tăng chế tài xử phạt hành chính đến mức có tính răn đe. Theo Nghị định số 106/2006/NĐ-CP, mức xử phạt được tính dựa trên giá trị thực tế của hàng hóa vi phạm bị phát hiện. Số tiến xử phạt lên đến gấp năm lần giá trị thương mại của hàng hóa vi phạm.
Ngoài Luật SHTT và Bộ luật dân sự sửa đổi 2005, các văn bản luật Việt Nam hiện hành bảo vệ quyền SHTT bao gồm Luật hình sự (1999), Luật hải quan (2001), Bộ luật tố tụng dân sự (2004) và Luật cạnh tranh (2004).
 
Chủ sở hữu quyền SHTT có vai trò như thế nào trong việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam?
Trong 10 năm trở lại đây, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tốc độ làm luật nhằm làm cho các quy phạm pháp luật về quyền SHTT đầy đủ và phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc có một bộ luật tốt là một chuyện còn việc thực thi hiệu quả bộ luật này lại là chuyện khác. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào việc tăng cường khả năng thực thi quyền SHTT, nghĩa là quyền SHTT của chủ sở hữu phải được bảo vệ trên thực tế chứ không phải chỉ trên giấy tờ.
Hiện nay biện pháp xử lý hành chính được chủ sở hữu xem là cách nhanh nhất để chẩm dứt hành vi vi phạm quyền SHTT do thủ tục đơn giản nhanh chóng và các chế tài xử phạt đã nghiêm khắc hơn. Trong những năm gần đây một lượng lớn các vụ vi phạm quyền SHTT bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các biện pháp xử phạt hành chính cũng như các biện pháp xử lý hình sự là dùng quyền lực nhà nước trừng phạt người vi phạm nhiều hơn là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Các biện pháp này có thể nhanh chóng chấm dứt hành vi vi phạm nhưng vẫn không làm chủ sở hữu thỏa mãn một cách đầy đủ, vì chủ sở hữu không thể đòi người vi phạm bồi thường thiệt hại (nếu có thì cũng rất ít).
Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chủ sở hữu chỉ có một con đường duy nhất là khởi kiện hành vi vi phạm quyền của mình ra trước tòa án dân sự hoặc kinh tế. Nhưng việc khởi kiện ra tòa án là điều mà chủ sở hữu quyền SHTT ở Việt Nam cố gắng tránh do nhiều lý do khác nhau. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 5 năm từ năm 2000 đến năm 2005, trong một lượng rất lớn các vụ vi phạm quyền SHTT, chỉ có 22 vụ kiện dân sự được nộp cho tòa án Việt Nam, bao gồm 12 vụ kiện bản quyền và 10 vụ về quyền SHCN.
Ở Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT được thực hiện bởi một bộ máy thực thi chung. Không có bộ máy chuyên biệt để thực thi quyền SHTT đối với cả thủ tục giải quyết vụ án dân sự lẫn thủ tục xử phạt hành chính. Một điều mà mọi người đều biết là các viên chức tòa án Việt Nam có trình độ và khả năng giải quyết các vụ án liên quan đến quyền SHTT rất hạn chế vì Việt Nam chưa có trường chuyên đào tạo về SHTT và các vụ án liên quan đến quyền SHTT được đưa ra xét xử tại tòa án rất ít.
Do sự hiểu hiết và kinh nghiệm còn yếu, nên các viên chức thực thi thường tham vấn chuyên gia của Cục SHTT khi xét xử các vụ án liên quan đến quyền SHTT. Thực tế là Cục SHTT đóng vai trò rất lớn trong hầu hết các vụ việc liên quan đến việc thực thi quyền SHTT. Điều này gây ra mối lo cho chủ sở hữu là phán quyết của tòa án trong các vụ khiếu kiện về quyền SHTT có thể không đảm bảo chính xác và công bằng. Mặc dù Luật SHTT sửa đổi năm 2009 đã quy định chấm dứt vai trò của Cục SHTT trong việc tư vấn giải quyết các khiếu kiện quyền SHTT và Nhà nước cho phép thành lập các tổ chức giám định SHTT chuyên biệt, nhưng những tổ chức này còn mới, ít về số lượng và trình độ chuyên môn chưa được chứng minh. Nhưng rõ ràng rằng, năng lực chuyên môn yếu của viên chức tòa án ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giải quyết các vụ khiếu kiện.
Có một nghịch lý là, đối với các vụ khiếu kiện còn nhiều điểm nghi ngờ và khó xác định hành vi xâm phạm quyền, chủ sở hữu quyền nên được khuyến khích nộp đơn ra tòa án. Kinh nghiệm là mẹ của sự hiểu biết, khi có nhiều vụ án được đưa ra xét xử thì các viên chức thực thi Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để nâng cao sự hiểu biết về quyền SHTT và thực thi quyền này tốt hơn. Việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án có thể được xem là bước đi đầu tiên tích cực của chủ sở hữu, những người muốn tòa án đưa ra các phán quyết chính xác và công bằng sau khi có sự tư vấn của các chuyên gia về quyền SHTT. Nhưng trên thực tế do năng lực yếu của các viên chức tòa án nên chủ sở hữu không muốn đưa ra tòa xét xử, điều này lại làm cho năng lực của viên chức tòa không được cải thiện.
Cho đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn cho phép tòa có thể từ chối thụ lý một vụ kiện dân sự nào đó. Các tòa án Việt Nam có thể từ chối thụ lý dựa trên các điều luật và các quy định hướng dẫn thi hành. Điều này không khuyến khích chủ sở hữu quyền đưa các vụ xâm phạm quyền ra tòa án xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi các quy định pháp luật quốc gia về quyền SHTT đã tương đối đầy đủ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đây chính là thời điểm thích hợp để chủ sở hữu quyền SHTT thử đưa các vụ vi phạm quyền của mình ra tòa án xét xử. Khi đưa ra tòa, chủ sở hữu quyền không chỉ bảo vệ quyền của mình tốt hơn mà chắc chắn sẽ góp phần vào việc cải thiện hệ thống thực thi quyền SHTT. Hy vọng rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ thiết lập được hệ thống thực thi quyền SHTT chuyên biệt giống như hầu hết các nước phát triển trên thế giới.
Như đã nói ở trên, sự thiếu hiểu biết về quyền SHTT ở Việt Nam có thể được giải thích không chỉ do trình độ phát triển thấp của nền kinh tế mà còn do những nguyên nhân lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Việc sao chép và làm hàng nhái trở nên phổ biến trong một khoảng thời gian dài do nhu cầu thực tế là để dân nghèo có thể tiến cận tri thức, văn hóa và hàng hóa với giá rẻ. Các tác giả Việt Nam thường hoàn toàn không có sự hiểu biết về các quyền của mình. Hơn nữa, người Việt Nam thường không muốn khiếu kiện ra tòa án vì họ thường liên hệ việc xét xử trước tòa án như một vụ án hình sự hơn là một vụ án dân sự.

Trong bối cảnh như vậy, các chủ sở hữu quyền SHTT nước ngoài đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hệ thống thực thi quyền SHTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Với sự hiểu biết sâu về quyền của mình và có nhiều kinh nghiệm trong các vụ tranh tụng bảo vệ quyền SHTT, những điều mà người Việt Nam còn thiếu, các chủ sở hữu nước ngoài có cơ hội rất lớn trong việc tạo ảnh hưởng đến tiến trình phát triển quyền SHTT ở Việt Nam trong tương lai, khi họ có thái độ tích cực hơn.

Kỳ sau: Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu cho doanh nghiệp
Công ty Quốc tế D&N