Luật chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ 2006

adminquantri - August 10, 2017

Ngày 19/06/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chuyển giao Công nghệ số 07/2017/QH14 (Luật CGCN Mới) sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao Công nghệ số 80/2006/QH11 quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ (Luật CGCN Cũ). Luật CGCN Mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018 thay thế cho Luật CGCN Cũ. Sau đây là một số điểm mới đáng chú ý của Luật CGCN Mới:

  1. Hỗ trợ Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (KH&CN)

Nhà nước có chính sách và biện pháp hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Để thực hiện vai trò môi giới, tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ, dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ theo điều 43 của Luật CGCN Mới, được nhà nước quan tâm, hỗ trợ thông qua các biện pháp sau đây:

a) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia trong giai đoạn 05 năm đầu hoạt động;

b) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian;

c) Hỗ trợ, nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, thẩm định giá và giám định công nghệ.

Ngoài ra, nhà nước còn khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ trong các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo; hình thành mạng lưới liên kết hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

  1. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Liên quan tới thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tại điều 36 của luật này, nhà nước có quy định làm rõ một số nội dung vướng mắc về:

a) giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước;

b) trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức thu thập, đánh giá, lựa chọn, công nhận, công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

c) hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động liên kết giữa tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương với tổ chức KH&CN trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu KH và phát triển công nghệ phù hợp với đặc thù địa phương;

d) hỗ trợ của nhà nước trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới cho tổ chức, cá nhân thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ

đ) Việc phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước phải bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu, tác giả, tổ chức chủ trì, tổ chức trung gian, tổ chức, cá nhân tham gia thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật có liên quan.

  1. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ

Luật CGCN Mới được sửa đổi bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể ở điều 35 quy định:

a) Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ với tổ chức khoa học và công nghệ.

b) Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình và thực hiện nội dung chi khác theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

c) Quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền tài sản quy định tại khoản này để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

d) Nhà nước khuyến khích các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu chung.

đ) Doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất – kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ được hưởng các ưu đãi sau đây: (i) Hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng; (ii)  Các hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

e) Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo chức năng nhiệm vụ của mình tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà nước còn có sự ưu đãi thuế cho các đối tượng quy định ở điều 39 của Luật CGCN Mới để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ.

  1. Quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ

Điêu 3 quy định chính sách của nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ, cụ thể bao gồm :

a) Ưu tiên chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong nước; bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; chú trọng hoạt động chuyển giao công nghệ cho địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn ;

b) Hỗ trợ ý tưởng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, liên kết giữa tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất; chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ ;

c) Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân ;

d) Ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.

Điều 8 của Luật CGCN Mới quy định trường hợp dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước thì công nghệ đưa vào góp vốn phải được thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Cơ chế tự nguyện đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được sửa đổi thành cơ chế bắt buộc đăng ký đối với tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo khoản 1 điều 31 của Luật CGCN Mới.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ, các điều từ 53 đến 56 của Luật CGCN Mới quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, bộ ngành, địa phương để bảo đảm từng giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ đều có người chịu trách nhiệm.

  1. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với thỏa thuận chuyển giao công nghệ được các bên ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực, trường hợp có nhu cầu gia hạn thỏa thuận đó sau ngày Luật này có hiệu lực thì thực hiện thủ tục đăng ký, gia hạn theo quy định của Luật này. Đối với hồ sơ đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa được giải quyết thì áp dụng theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11.