Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
August 31, 2013
-
Ngày 15/07/2013, chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (“Nghị định 72”) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, thay thế cho Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/08/2008. Nghị định 72 cũng bao gồm các quy định về cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, thay thế cho các quy định trước đây về cùng vấn đề này. Nghị định 72 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2013.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý của Nghị định 72 là quy định tại điều 22 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, theo đó tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin qua biên giới có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam, thì sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam. Theo một số báo tại Việt nam, mục đích của quy định mới này là nhằm quản lý các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam như mạng xã hội Facebook, công cụ tìm kiếm Google…, vì hiện nay chưa có quy định pháp luật nào có thể áp dụng cho các đối tượng trên. Tuy nhiên, điều 22 quy định khá chung chung, không rõ ràng, nên chưa rõ có thể được áp dụng như thế nào trên thực tế, và còn phải đợi thông tư hướng dẫn do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo và ban hành trong thời gian tới.
Một điểm mới gây xôn xao dư luận trong nước và quốc tế với lo ngại quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân bị hạn chế là việc phân loại trang thông tin điện tử (website) thành 5 loại khác nhau bao gồm: (i) báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử; (ii) trang thông tin điện tử tổng hợp; (iii) trang thông tin điện tử nội bộ; (iv) trang thông tin điện tử cá nhân; và (v) trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành (Điều 20). Tuy nhiên, theo phát biểu của một số đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời báo chí trong nước, thì việc phân chia như vậy chỉ nhằm mục đích đưa ra các quy định chế tài quản lý phù hợp với từng loại website để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền về thông tin cho các cơ quan báo chí.
Một điểm đáng chú ý khác là quy định về giải quyết tranh chấp tên miền tại điều 16. Mặc dù các quy định tại điều này không hoàn toàn mới (vì đã được quy định rải rác trong một số văn bản pháp quy như Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 73/QĐ-VNNIC của Giám đốc trung tâm Internet Việt Nam vv…). Tuy nhiên, việc lần đầu tiên các quy định về vấn đề này được thống nhất lại trong một Nghị định do chinh phủ ban hành có thể được coi là một bước tiến mới trong việc giải quyêt tranh chấp tên miền, vốn là vấn đề rất nhức nhối và khó giải quyết tại Việt Nam. Công ty Quốc tế D&N sẽ có bài phân tích sâu hơn về vấn đề này trong thời gian tới. Mời các bạn đón xem.