Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017: Sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

adminquantri - April 24, 2017

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (“Nghị định 28”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Nghị định này có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:

 

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ (“Nghị định 131”) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan:

 

Nghị định 28 phân định rõ hơn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan như Thanh tra, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển cũng như trao thẩm quyền xử phạt cho nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, cụ thể như sau:

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra 

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra được trao cho 16 chức danh như Thanh tra viên, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra Bộ vv., theo đó Thanh tra có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ 500.000 đồng cho tới 250.000.000 đồng phụ thuộc chức danh người có quyền xử phạt, ví dụ Thanh tra viên chỉ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng, trong khi đó Chánh thanh tra bộ có quyền phạt tiền tới 250.000.000 đồng.

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan được trao cho 11 chức danh như Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục trưởng Tổng Cục hải quan vv…, theo đó Hải quan có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ 25.000.000 đồng cho tới 250.000.000 đồng phụ thuộc vào chức danh người có quyền xử phạt, ví dụ Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chỉ có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng, trong khi đó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường được trao cho 6 chức danh như Đội trưởng đội quản lý thị trường, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường, Cục trưởng Cục quản lý thị trường vv…, theo đó Quản lý thị trường có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ 25.000.000 đồng cho tới 250.000.000 đồng phụ thuộc vào chức danh người có quyền xử phạt, ví dụ Đội trưởng đội quản lý thị trường chỉ có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng, trong khi đó Cục trưởng Cục quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển được trao cho 7 chức danh như Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ cảnh sát biển, Đội trưởng đội nghiệp vụ cảnh sát biển, Tư lệnh cảnh sát biển vv…, theo đó Cảnh sát biển có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho tới 250.000.000 đồng phụ thuộc vào chức danh người có quyền xử phạt, ví dụ Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ cảnh sát biển chỉ có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng, trong khi đó Tư lệnh cảnh sát biển có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng

 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng được trao cho 6 chức danh như Đồn trưởng đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cấp tỉnh vv…, theo đó Bộ đội biên phòng có quyền phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ 25.000.000 đồng cho tới 250.000.000 đồng phụ thuộc vào chức danh người có quyền xử phạt, ví dụ Đồn trưởng đồn biên phòng chỉ có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng, trong khi đó Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng.

 

Ngoài những sửa đổi, bổ sung chủ yếu nêu trên, Nghị định 28 cũng sửa đổi một số quy định về Biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là có sự sửa đổi việc áp dụng các biện pháp “buộc tái xuất tang vật vi phạm” và “buộc tiêu hủy tang vật vi phạm” trong một số trường hợp. Sự thay đổi này nhằm mục đích tạo căn cứ pháp lý phù hợp hơn để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trên thực tế.

 

  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ (“Nghị định 158) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

 

Cũng tương tự với việc sửa đổi Nghị định 131 nêu trên, Nghị định 28 sửa đổi Nghị định 158 nhằm phân định rõ hơn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan như Thanh tra, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển cũng như trao thẩm quyền xử phạt cho nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Tùy vào mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Mức phạt tiền từ 500.000 đồng cho tới 50.000.000 đồng phụ thuộc vào chức danh người có quyền xử phạt.

 

Ngoài ra, Nghị định 28 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của Nghị định 158 liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, với những điểm đáng chú ý như sau:

 

Về hành vi vi phạm quy định về phát hành phim, Nghị định 28 quy định:

 

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bán, cho thuê phim thuộc diện lưu hành nội bộ; Tẩy xóa, sửa đổi nhãn kiểm soát dán trên băng, đĩa phim.

 

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến.

 

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo nội dung phim đã được dán nhãn kiểm soát.

 

  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa được phép phổ biến; Phát hành phim nhựa, băng đĩa phim quá phạm vi được ghi trong giấy phép phổ biến.

 

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng đĩa phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến hoặc tiêu hủy.

 

Đối với hành vi vi phạm quy định về tàng trữ, phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Nghị định 28 nêu rõ:

 

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được phép phổ biến hoặc chưa dán nhãn kiểm soát;

 

  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam;

 

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã có quyết định cấm phổ biến hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

 

Về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông, Nghị định 28 quy định:

 

  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

 

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.

 

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 5 năm 2017. Đối với hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới được phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên theo Nghị định 28 giúp hoàn thiện các Nghị định 131 và 158 – là hai nghị cung cấp khung pháp lý quan trọng cho việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực rất rộng trong đó có sở hữu trí tuệ. Đồng thời, việc sửa đổi bổ sung nêu trên sẽ giúp cho hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đời sống ngày càng trở nên phù hợp và thống nhất với các quy định của Luât xử lý vi phạm hành chính 2012.