Những điểm mới về bảo hộ sáng chế theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022
Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Quốc hội thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Đây là lần thứ ba Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung kể từ khi được ban hành lần đầu vào năm 2005. So với các lần sửa đổi, bổ sung trước vào năm 2009 và năm 2019, lần sửa đổi, bổ sung thứ ba này được đánh giá là có phạm vi khá rộng với hơn 100 điều Luật được được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, có thể nói, các sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu là việc luật hóa các thực tiễn đã và đang được Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan khác áp dụng trên thực tế.
Dưới đây là những điều khoản đáng chú ý về sáng chế đã được sửa đổi, bổ sung vào luật Sở hữu trí tuệ năm 2022:
Thủ tục phản đối đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp:
Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong quy trình thẩm định sáng chế là việc bổ sung Điều 112a. về thủ tục phản đối đơn đăng ký sáng chế. Theo đó, việc phản đối đơn đăng ký sáng chế phải được nộp trong vòng 9 tháng kể từ ngày công bố và trước ngày ra quyết định cấp bằng sáng chế.
Hiện vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện thủ tục phản đối đơn đăng ký sáng chế do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đây sẽ là một thủ tục mang tính chính thức hơn so với thủ tục “ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ’’ theo luật hiện hành (với các quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ trả phí nộp đơn phản đối bởi bên phản đối và nghĩa vụ xử lý đơn phản đối của Cục sở hữu trí tuệ).
Cũng đáng chú ý là việc Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 vẫn tiếp tục duy trì thủ tục “ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ“. Thủ tục này cho phép bất cứ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ kể từ ngày công bố cho đến trước ngày đưa ra quyết định cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thủ tục này sẽ trở thành một thủ tục ít mang tính chính thức hơn, theo đó bên phản đối sẽ không có nghĩa vụ trả phí, và Cục Sở hữu trí tuệ không có nghĩa vụ trả lời người nộp ý kiến. Hơn nữa, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có quy định rõ ràng rằng văn bản nêu ý kiến của người thứ ba chỉ được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.
Thêm cơ sở pháp lý cho việc phản đối đơn đăng ký sáng chế :
Điều 117 về từ chối cấp văn bằng sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung bằng việc thêm một số cơ sở pháp lý cho phép từ chối đăng ký sáng chế. Như vậy, các cơ sở pháp lý này bao gồm:
- Các cơ sở pháp lý đã được nêu trong Luật Sở hữu trí tuệ cũ năm 2019 gồm:
- Sáng chế không đáp ứng đủ các điều kiện bảo hộ;
- Chủ đơn sáng chế không có quyền đăng ký sáng chế;
- Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên;
- Không có được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn; và
- Các cơ sở pháp lý mới được bổ sung mới vào Luật Sở hữu trí tuệ 2022 gồm:
- Việc sửa đổi, bổ sung đơn sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã nêu trong đơn ban đầu, hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
- Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi phạm vi tiết lộ thông số kỹ thuật ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
- Sáng chế không được công bố đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện giải pháp nêu trong yêu cầu bảo hộ;
- Không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế trực tiếp tạo ra trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
- Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Sử dụng kết quả thẩm định nội dung của cơ quan đăng ký sáng chế nước ngoài:
Theo thông lệ thẩm định sáng chế hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ thường dựa vào kết quả thẩm định của cơ quan cấp bằng sáng chế nước ngoài đối với đơn đăng ký sáng chế tương ứng được nộp ở nước ngoài như một cơ sở quan trọng để xem xét cấp/ từ chối cấp Văn bằng bảo hộ cho đơn sáng chế nộp tại Việt Nam. Để luật hóa thực tiễn này, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung khoản 3 vào Điều 114, trong đó quy định rằng trong quá trình thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện đối với đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam.
Mở rộng tình trạng kĩ thuật của sáng chế khi đánh giá tính mới:
Theo Luật Sở hữu trí tuệ cũ năm 2019, việc đánh giá tính mới của đơn đăng ký sáng chế chỉ dựa trên các công bố xuất hiện trước ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp sáng chế được hưởng quyền ưu tiên). Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã mở rộng phạm vi các thông tin/giải pháp kỹ thuật bị coi là thuộc tình trạng kĩ thuật bằng việc sửa đổi Khoản 1, Điều 60. Theo đó, một sáng chế cũng bị coi là không có tính mới nếu đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn yêu cầu bảo hộ tại nước ngoài:
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 lần đầu tiên có các quy định về sáng chế mật (trước đây chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật, cụ thể là Nghị định 103/2006 / NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 122/2010 / NĐ-CP).
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đinh nghĩa: “sáng chế mật là sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước”.
Đối với sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng do cá nhân, tổ chức Việt Nam tạo ra tại Việt Nam thì chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế tại nước ngoài khi đơn đăng ký sáng chế đã được nộp tại Việt Nam để kiểm soát an ninh. Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định này sẽ bị coi là không hợp lệ về hình thức. Chính phủ có trách nhiệm ban hành quy định chi tiết việc thực hiện thủ tục này.
Hồ sơ đăng ký sáng chế được tạo ra trực tiếp dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống gắn với nguồn gen:
Đối với sáng chế được tạo ra trực tiếp dựa trên nguồn gen hoặc kiến thức truyền thống về nguồn gen, chủ đơn đăng ký sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có nghĩa vụ cung cấp tài liệu thuyết minh về nguồn gốc hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen, cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống gắn với nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, sẽ có quyền đăng ký sáng chế.
Không hoàn lại phí trong trường hợp rút đơn đăng ký sáng chế:
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019, trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế bị rút lại, các khoản phí đã trả cho các thủ tục chưa được thực hiện sẽ được hoàn lại theo yêu cầu của người nộp đơn. Quy định này đã bị xóa khỏi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022. Theo đó, dự kiến phí đã nộp sẽ không được hoàn lại trong trường hợp rút đơn theo Luật mới.
Thêm cơ sở pháp lý cho việc hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế:
Điều 96 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2019 có quy định 02 cơ sở pháp lý để hủy bỏ hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế, đó là:
- Chủ đơn không có quyền đăng ký sáng chế cũng như không được chuyển nhượng quyền đó; hoặc
- Đối tượng bảo hộ không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ tại thời điểm được cấp bằng sáng chế.
Luật Sở hửu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã luật hóa một số cơ sở mới cho việc hủy bỏ hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế đã được cấp, bao gồm:
- Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định vể kiểm soát an ninh trước khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài;
- Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế trực tiếp tạo ra trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó;
- Việc sửa đổi, bổ sung đơn sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
- Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
- Sáng chế được cấp Văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
- Sáng chế được cấp Văn bằng bảo hộ không đáp ứng nguyên tắc nộp dơn đầu tiên.
Ngoài ra, Điều 96 sửa đổi quy định rõ rằng nếu bằng sáng chế bị hủy hiệu lực, thì hiệu lực của bằng sáng chế sẽ vô hiệu kể từ ngày cấp bằng sáng chế.
Giám định về sở hữu trí tuệ:
Theo quy định tại khoản 4 điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm cả tòa án và cơ quan hành chính) có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.
Trên thực tế, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên các cơ quan có thẩm quyền xử lý thường dựa trên kết luận vi phạm quyền sở hữu trí tuệ do Viên nghiên cứu sở hữu trí tuệ Việt Nam ( VIPRI, cơ quan giám định sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành. Khoản 5 điều 201 được sửa đổi quy định rõ: kết luận giám định sẽ không kết luận về hành vi xâm phạm hoặc kết luận về vụ tranh chấp, và sẽ chỉ là một nguồn trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đến bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm
Để phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại Tự do Liên hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung Điều 131a, theo đó, chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục xin cấp phép lưu hành dược phẩm bị chậm.
Quyền đăng ký sáng chế sử dụng ngân sách nhà nước:
Theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn trừ các sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định các trường hợp Nhà nước chuyển giao quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền. Tiếp đó, quyền sáng chế đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ trả thù lao cho các tác giả của tổ chức chủ trì trong trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với dược phẩm
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung thêm cơ sở bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, đó là “việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác mà có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên’’.
Luật mới cũng quy định việc miễn trừ nghĩa vụ bồi thường “trong trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả lại tại nước xuất khẩu”.