Thông tư số 263/2016/TT- BTC: Quy định mới về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí lệ phí sở hữu công nghiệp
Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 263/2016/TT- BTC (“Thông tư 263”) quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp (“SHCN”). Thông tư 263 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, thay thế Thông tư cũ số 22/2009/TT-BTC (“Thông thư 22”) ngày 04/02/2009.
Đối tượng áp dụng
Thông tư 263 áp dụng cho các đối tượng sau: (i) các tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền SHCN; (ii) cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền SHCN; (iii) các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp phí, lệ phí SHCN.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2017, tổ chức, cá nhân Việt nam và nước ngoài khi nộp đơn, hồ sơ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền SHCN phải nộp phí, lệ phí theo biểu mức thu phí, lệ phí SHCN được ban hành kèm theo thông tư này.
Thay đổi chính về cơ chế quản lý và sử dụng phí, lệ phí SHCN
Thông tư 263 có sự điều chỉnh lớn về cơ chế quản lý và sử dụng phí, lệ phí so với Thông tư 22. Cụ thể, tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được và 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, 85% số tiền phí thu được còn lại được tổ chức thu phí giữ lại để trang trải các chi phí cho việc thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền SHCN, thay vì tỷ lệ 65% tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước và 35% trích lại cho tổ chức thu phí theo Thông tư 22. Theo đó, trong biểu phí, lệ phí SHCN được ban hành kèm theo Thông tư 263, cơ chế thu các mục phí, lệ phí SHCN được điều chỉnh đáng kể, nhìn chung giảm ở các mục lệ phí, và tăng ở các mục phí SHCN (cả về danh mục các khoản thu và mức thu).
Một số thay đổi cần lưu ý khi áp dụng triển khai Thông tư 263:
– Cục Sở hữu trí tuệ (“Cục SHTT”) sẽ tiến đến việc áp dụng công bố toàn bộ Bản mô tả sáng chế thay vì chỉ công bố bản tóm tắt và hình vẽ đại diện như trước. Theo đó, phí công bố đơn và bằng sáng chế sẽ được tăng lên, cụ thể là tính thêm 10.000 đồng phí công bố cho mỗi trang mô tả vượt quá 6. Phí này được thu ở giải đoạn nộp đơn và cấp bằng. Tuy nhiên, hiện tại Cục SHTT chưa thu phí này và sẽ có Thông báo sau.
– Áp dụng thu phí thẩm định hình thức đối với đơn đăng ký sáng chế bằng 20% mức thu phí thẩm định đơn. Phí này nộp khi nộp đơn.
– Không thu phí khi nộp đơn khiếu nại ban đầu. Cục SHTT sẽ ra Thông báo thụ lý đơn khiếu nại và danh mục phí cần nộp kèm theo Thông báo này.
– Thay cho lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ (“VBBH”) theo thông tư 22, theo thông tư mới 263, Cục SHTT sẽ tách thành 3 loại phí, lệ phí: lệ phí duy trì/gia hạn hiệu lực, phí thẩm định duy trì/gia hạn hiệu lực, và phí sử dụng VBBH, điều đó dẫn đến chi phí cho VBBH tăng lên đáng kể so với trước đây. Ví dụ, phí gia hạn nhãn hiệu cho nhóm sản phẩm dịch vụ thứ nhất và kiểu dáng cho phương án thứ nhất và phí duy trì hiệu lực sáng chế năm thứ 2 cho điểm yêu cầu bảo hộ độc lập thứ nhất lần lượt tăng từ 780.000 đồng lên 1200.000 đồng và từ 300.000 đồng lên 800.000 đồng.
– Không thu phí vào pha quốc gia muộn hoặc yêu cầu thẩm định nội dung muộn.
– Một số loại phí mà trước đây có trong Thông tư 22 (như phí thẩm định nhanh, phí liên quan tới yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao, phí liên quan tới giám định, phí yêu cầu cung cấp thông tin, phí cấp các loại bản sao, phó bản, bản cấp lại, các tài liệu SHCN, phí gửi đơn quốc tế, xác nhận quyền ưu tiên…) nhưng không có trong thông 263 mới này sẽ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.
– Không áp dụng hoàn phí cho mọi khoản phí, lệ phí đã nộp