Việt Nam: Cập nhật Quy định và thực tiễn xem xét, công nhận nhãn hiệu nổi tiếng
Có thể nói, đến nay pháp luật về nhãn hiệu của Việt Nam đã có những quy định chung về cơ chế xem xét, công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng vẫn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện cơ chế này. Đồng thời, việc thực hiện trên thực tế bởi cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa song hành với những gì được quy định. Trong bài viết này, chúng tôi trân trọng cập nhật tóm tắt về các quy định và thực tiễn liên quan đến vấn đề này, cụ thể như sau:
* Về định nghĩa pháp lý
Điều 4.20 Luật Sở hữu trí tuệ trước khi được sửa đổi năm 2022 định nghĩa “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.” Chính quy định thiếu chặt chẽ này dẫn đến việc khó xác định và thống nhất quan điểm về phạm vi và mức độ danh tiếng mà nhãn hiệu cần đạt được để trở nên nổi tiếng, ví dụ: liệu nhãn hiệu có cần thiết phải được người tiêu dùng nói chung biết đến rộng rãi không, trong khi nhãn hiệu chỉ có danh tiếng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù nhất định? Để khắc phục vấn đề này, quy định trên nay đã được sửa thành: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”
Theo quy định trên, có thể hiểu rằng “nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi” thì sẽ phải được coi là “nhãn hiệu nổi tiếng” và ngược lại, khi nói một nhãn hiệu là nổi tiếng thì phải hiểu rằng nó đã được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi. Luật SHTT cũng có riêng Điều 75 để liệt kê các tiêu chí để xem xét, đánh giá loại nhãn hiệu này. Tuy nhiên, Luật SHTT còn quy định một số trường hợp nhãn hiệu đã được “sử dụng và thừa nhận rộng rãi” nhưng không nhất thiết phải là “nhãn hiệu nổi tiếng”, ví dụ tại các điều 74.2 (a), (b), (đ) và đặc biệt là (g). Tất nhiên, ý nghĩa của các điều luật này khác với quy định thuần về đánh giá để công nhận “nhãn hiệu nổi tiếng”, nhưng việc định nghĩa trùng lặp về ngôn từ như vậy rất dễ gây ra sự băn khoăn, khó hiểu khi áp dụng pháp luật. Hậu quả là, trong thực tiễn thẩm định lâu nay, rất nhiều trường hợp nhãn hiệu mặc dù được Cục SHTT đánh giá là “đã được sử dụng (và công nhận) rộng rãi” nhưng vẫn không được coi là nổi tiếng! Điều này rõ ràng đi ngược định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 4.20 Luật SHTT như đã nêu ở trên.
* Về cơ chế công nhận
Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (sửa đổi, bổ sung – sau đây gọi tắt là “Thông tư 01”) có riêng Điểm 42 về “Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng”, trong đó có liệt kê các tài liệu chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng được nêu tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, tại Điểm 42.4 nêu rõ “Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó … hoặc dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác … thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”
Đáng tiếc, sau gần 18 năm kể từ ngày Luật SHTT có hiệu lực, cho đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu nổi tiếng nào được ghi nhận vào Danh mục này tại Cục SHTT. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền bao gồm chính Cục SHTT cũng rất hạn chế và có vẻ miễn cưỡng đưa ra nhận định về sự nổi tiếng của một nhãn hiệu. Sự thiếu vắng một Quy chế thẩm định nhãn hiệu chính thức của Cục SHTT bấy lâu nay có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xem xét, công nhận nhãn hiệu nổi tiếng trở nên vô cùng khó khăn.
Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung vào tháng 6/2022 và đã có hiệu lực từ đầu năm 2023, tuy nhiên cho đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành được các văn bản dưới luật mới để làm rõ và hướng dẫn thi hành luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục có bài viết cập nhật về vấn đề này khi có quy định và/hoặc thực tiễn mới.