Bảo hộ giống cây trồng tại Việt nam theo Luật SHTT

adminquantri - February 11, 2009
Là một nước nông nghiệp, nhưng bảo hộ giống cây trồng còn là vấn để rất mới mẻ đối với Việt nam. Mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Bộ Luật dân sự từ năm 1995, nhưng phải đến năm 2001 quyền đối với giống cây trồng mới được đề cập đến lần đầu tiên tại một số văn bản dưới luật như Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/04/2001 của Chính phủ về Bảo hộ giống cây trồng mới và Thông tư số 119/2001/TT-BNN ngày 21/12/2001 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 13 nói trên. Gần ba năm sau, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới ban hành Pháp lệnh về giống cây trồng ngày 24/03/2004 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2004.
Với nỗ lực xây dựng một hệ thống luật phù hợp với Công ước UPOV 1991 nhằm gia nhập vào Hiệp hội Bảo hộ giống cây trồng quốc tế (UPOV), ngày 19/11/2005 Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt nam đã thông qua Luật SHTT trong đó có riêng Phần thứ IV quy định về quyền đối với giống cây trồng. Luật SHTT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2006. Như vậy, bảo hộ giống cây trồng chính thức được luật hoá nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ giống cây trồng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các quy định về bảo hộ giống cây trồng trong Luật SHTT đầy đủ và cụ thể hơn so với các văn bản trước đó và tương đối phù hợp với Công ước UPOV 1991.
Dưới đây là một số điểm chính của Luật SHTT liên quan tới bảo hộ giống cây trồng.
1.    Điều kiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng
a) Chủ thể được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng
Các văn bản trước đây không có quy định về vấn đề này. Điều 159 Luật SHTT khẳng định Nhà nước bảo hộ quyền đối với giống cây trồng cho tất cả các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài «chọn tạo, phát hiện và phát triển giống cây trồng mới hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo, phát hiện và phát triển giống cây trồng mới, hoặc được chuyển giao quyền». Riêng các tổ chức và cá nhân nước ngoài thuộc các nước không tham gia điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mà Việt nam là thành viên hoặc không ký kết với Việt nam điều ước về bảo hộ giống cây trồng thì phải có địa chỉ thường trú hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt nam mới được Nhà nước bảo hộ.
b) Giống cây trồng nào có thể được bảo hộ?
Theo Điều 160 Luật SHTT, để được bảo hộ, giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển; (ii) thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ; (iii) có tính mới; (iv) có tính khác biệt; (v) có tính đồng nhất; (vi) có tính ổn định; và (vii) có tên gọi phù hợp. Các nội dung như tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định … được quy định cụ thể trong Luật SHTT từ Điều 161 đến Điều 165.
2.    Xác lập quyền đối với giống cây trồng
a) Cơ sở xác lập quyền:
Theo Luật SHTT, quyền đối với giống cây trồng chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký tại Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Liên quan đến quy định về người có quyền thực hiện việc đăng ký bảo hộ, điểm khác biệt đáng chú ý của Luật SHTTso với các văn bản trước đó là: theo Luật SHTT, nếu tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ các dự án do Nhà nước làm chủ thì quyền đối với giống cây trồng thuộc về Nhà nước, trong khi theo các văn bản pháp luật trước đây thì quyền đó thuộc về các tổ chức, cá nhân nói trên.
b) Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Theo Luật SHTT, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng đối với giống cây trồng, có nghĩa là Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người nộp đơn sớm nhất.
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký bảo hộ cho cùng một giống cây trồng được nộp vào cùng một ngày và những người nộp đơn không thoả thuận được về việc chỉ định một người nộp đơn duy nhất, thì Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng sẽ xem xét để cấp Bằng bảo hộ trên cơ sở xác định người đầu tiên đã chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó. Theo các văn bản pháp luật trước đây, Cơ quan nhà nước có quyền không chấp nhận hồ sơ, nếu các bên không tự thỏa thuận được.
c) Nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ
Phạm vi ưu tiên theo Luật SHTT được mở rộng hơn so với trong các văn bản trước đây, cụ thể là ngoài việc Người Nộp Đơn có thể hưởng quyền ưu tiên nếu Đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày nộp đơn đầu tiên, Người Nộp Đơn cũng có thể hưởng quyền ưu tiên nếu Đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày giống cây trồng đăng ký bảo hộ được đưa vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
d) Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng
Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết 20 năm đối với các giống cây trồng còn lại.
e) Trình tự thủ tục cấp VBBH giống cây trồng
Sau khi đơn yêu cầu cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng được nộp cho Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng, đơn sẽ trải qua các giai đoạn sau:
Thẩm định hình thức đơn: Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng thẩm định hình thức đơn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.
Công bố đơn: Sau khi đơn được chấp nhận hợp lệ, Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên Tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận với mục đích cho bên thứ 3 có ý kiến về việc cấp hay không cấp Bằng bảo hộ.
Thẩm định nội dung đơn: Đơn đã được chấp nhận là đơn hợp lệ được Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng thẩm định nội dung. Nội dung thẩm định bao gồm: (i) Thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng; (ii) Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
f) Đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng
Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
– Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp bằng;
– Chủ Bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
– Chủ Bằng bảo hộ không cung cấp các tài liệu, vật liệu nhân cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;
– Chủ Bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng;
– Chủ Bằng bảo hộ không còn tồn tại mà không có người thừa kế hợp pháp.
Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
– Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên;
– Giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ;
– Giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính ổn định hoặc tính đồng nhất trong trường hợp Bằng bảo hộ được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người nộp đơn thực hiện.
3. Nội dung và giới hạn quyền đối với giống cây trồng
a) Nội dung quyền
Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có các quyền sau: (i) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng giống cây trồng thông qua các hành vi được quy định tại Điều 189 Luật SHTT; (ii) Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng thông qua các hành vi quy định tại Điều 191 Luật SHTT; (iii) Chuyển giao, để thừa kế, kế thừa.
Quyền của chủ Bằng bảo hộ được mở rộng để có thể áp dụng đối với các giống cây trồng khác nếu chúng: (i) có nguồn gốc thực chất từ giống cây trồng được bảo hộ; (ii) không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng được bảo hộ; (iii) việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng được bảo hộ.
Người nộp đơn đăng ký giống cây trồng được hưởng quyền tạm thời. Quyền này chỉ có hiệu lực với điều kiện là Người nộp đơn cuối cùng được cấp bằng bảo hộ.
b) Hạn chế quyền
Bên cạnh nội dung quyền, Luật SHTT còn quy định giới hạn quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, việc sử dụng giống cây trồng phục vụ nhu cầu cá nhân và phi thương mại hoặc để nghiên cứu khoa học không bị coi là xâm phạm quyền. Các hộ sản xuất cá thể có thể sử dụng một cách hợp pháp sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất của mình.
Ngoài ra, quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây đã được tác giả hoặc người được tác giả cho phép đưa ra thị trường, trừ khi các hành vi đó (i) liên quan đến việc nhân tiếp giống cây đó; hoặc (ii) liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.
4. Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng
Đây là lần đầu tiên hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng được quy định trong Luật. Điều 191 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm bao gồm:
– Khai thác, sử dụng các quyền của chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng tên giống cây trồng mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho những giống cây trồng thuộc cùng loài hoặc các loài liên quan rất gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ;
– Xâm phạm quyền tạm thời của chủ sở hữu quyền tạm thời đối với giống cây trồng mà không trả tiền đền bù theo quy định;
– Không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng hoặc không bảo đảm quyền được ghi danh của tác giả giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều 188 và khoản 1 Điều 194.
5. Chuyển giao quyền đối với giống cây trồng
Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu đối với giống cây trồng, hoặc chuyển một hoặc một số quyền sử dụng đối với giống cây trồng của minh cho bên thứ ba. Trong cả hai trường hợp, hợp đồng phải được làm dưới hình thức văn bản.

Luật SHTT có một số quy định về chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng đối với cây trồng. Theo đó, Cơ quan quản lý nhà nước về giống cây trồng có thể buộc chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng cho các bên thứ ba có yêu cầu, nếu điều này là cần thiết để giống cây trồng được «sử dụng rộng rãi với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo». Tuy nhiên, chuyển giao bắt buộc chỉ có thể được thực hiện nếu bên thứ ba thực sự có đủ khả năng để sử dụng giống cây trồng, và sau khi đã thực hiện các biện pháp thỏa thuận với chủ sở hữu mà không đạt kết quả. Chuyển giao bắt buộc quyền đối với giống cây trồng là chuyển giao không độc quyền. Bên nhận chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển quyền đó cho một bên thứ ba, trừ khi việc chuyển giao đó được tiến hành cùng với sự chuyển giao cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng của người đó.

D&N International