Bảo hộ quyền tác giả tại Việt nam

adminquantri - February 11, 2009
Cũng như tại phần lớn các nước đang phát triển, ở Việt nam, việc thực thi quyền tác giả gặp rất nhiều khó khăn do sự hoành hành của nạn sao chép trái phép. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, với nỗ lực hội nhập quốc tế, Việt nam đã có một số bước tiến nhất định trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật năm 2004 và Công ước Geneva về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống sao chép trái phép năm 2005.
Trong một tiến triển gần đây nhất, ngày 19/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó có riêng Phần thứ II quy định về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Như vậy, hiện tại việc bảo hộ các quyền SHTT nói trên được quy định tại Phần thứ VI, Bộ Luật dân sự 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2006) và tại Phần thứ II, Luật SHTT (có hiệu lực từ 01/07/2006).
Dưới đây là một số điểm chính về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo luật mới:
Bảo hộ quyền tác giả
1. Điều kiện bảo hộ quyền tác giả
 
a) Tác giả và chủ sở hữu tác phẩm được bảo hộ
 
Luật SHTT quy định: chủ sở hữu tác phẩm là tác giả (tức người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm) hoặc: (i) các đồng tác giả; (ii) tổ chức cá nhân giao nhiệm vụ, hoặc ký kết hợp đồng với tác giả; (iii) người thừa kế; và (iv) nhà nước (trong một số trường hợp).
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể bảo hộ quyền tác giả tại Việt nam, nếu có tác phẩm (i) được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; hoặc (ii) được bảo hộ tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
b) Các loại hình tác phẩm được bảo hộ
 
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật SHTT cụ thể và rõ ràng hơn so với các văn bản pháp luật trước đó do có sự phân định rõ về tác phẩm gốc và tác phẩm phái sinh. Bộ luật Dân sự cũ không đưa ra khái niệm tác phẩm phái sinh và không phân biệt rõ các «tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển» với các tác phẩm gốc. Theo Luật SHTT, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.
Ngoài ra, Luật SHTT bỏ sự phân biệt các loại tác phẩm khác nhau, thông qua việc loại bỏ quy định các tác phẩm được nhà nước bảo hộ riêng theo Bộ luật dân sự 1995. Như vậy, các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được xếp ngang hàng với các tác phẩm khác. Còn tin tức thời sự thuần túy và văn bản của các cơ quan nhà nước không còn được bảo hộ.
2. Nội dung bảo hộ quyền tác giả và giới hạn quyền
 
a) Nội dung quyền tác giả
 
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Luật SHTT có một số thay đổi so với Bộ luật dân sự 1995 liên quan đến hai quyền này. Cụ thể là: quyền nhân thân không còn bao gồm quyền “cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm” như quy định trong Bộ luật dân sự cũ.
Việc Luật SHTT khẳng định rõ quyền tài sản là “độc quyền” có thể coi là một tiến bộ đáng kể. Các văn bản pháp luật trước đó không khẳng định quyền tài sản là “độc quyền”. Các độc quyền được quy định tại điều 20 Luật SHTT bao gồm: (i) Làm tác phẩm phái sinh; (ii) Trình diễn tác phẩm trước công chúng; (ii) Sao chép tác phẩm; (iv) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; (v) Truyền đạt tới công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; (iv) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các độc quyền nói trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài ra, Luật SHTT còn quy định chế độ bảo hộ đặc biệt cho tác phẩm điện ảnh và sân khấu, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu và tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian. Điều này rất quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của việc bảo hộ quyền tác giả cho từng loại hình khác nhau. Theo điều 21, chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh là tổ chức cá nhân đầu tư tài chính để sản xuất phim, còn các tác giả tham gia làm phim, như đạo diễn, biên kịch, tác giả âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… được hưởng một số quyền nhân thân. Về chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu là các loại hình tác phẩm khá mới, luật SHTT có định nghĩa và xác định chế độ bảo hộ tại điều 22. Theo đó, việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không được ảnh hưởng tới quyền tác giả của chính tư liệu đó.
b) Giới hạn quyền tác giả
 
Quyền tác giả bị giới hạn bởi các hành vi sử dụng tác phẩm không cần xin phép tác giả dưới hai hình thức (i) không phải trả tiền nhuận bút, thù lao; và (ii) phải trả nhuận bút, thù lao. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào việc sử dụng đó cũng không được làm ảnh hưởng bất lợi tới việc khai thác bình thường của tác phẩm và không gây nên bất kỳ thiệt hại nào cho quyền của tác giả đối với tác phẩm. Hơn nữa, tên của tác giả và bản gốc của tác phẩm phải được nhắc đến.
Điều 24 Luật SHTT có quy định cụ thể về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: (i) sao chép 1 bản nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu; sử dùng nhằm mục đích trích dẫn, đưa tin; (ii) biểu diễn nơi cộng cộng không thu tiền nhằm mục đích tuyên truyền cổ động; (iii) chuyển sang chữ nổi cho người khiếm thị; (iv) nhập khẩu bản sao để sử dụng riêng. Tuy nhiên, giới hạn này không áp dụng đối với các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 25). Việc sử dụng tác phẩm trong trường hợp này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự.
3. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
 
Nói chung, quyền tác giả được bảo hộ suốt đời tác giả cộng thêm 50 năm sau khi tác giả qua đời. Các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm, được bảo hộ vô thời hạn.
Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh, thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 50 năm kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình.
4. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Với Luật SHTT, lần đầu tiên các hành vi xâm phạm quyền tác giả được xác định và quy định tương đối cụ thể. Điều 27 liệt kê một loạt các hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Theo đó, hầu hết các hành vi sử dụng tác phẩm không được phép của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm như công bố, trưng bày, sao chép, xuất bản, nhân bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản… v.v. đều bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
5. Chuyển giao quyền tác giả
 
Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền (i) chuyển nhượng quyền tác giả hoặc (ii) chuyển quyền sử dụng tác phẩm cho các bên thứ ba.
a) Chuyển nhượng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu đối với một số các quyền tài sản và quyền nhân thân nhất định của mình cho các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng. Quyền nhân thân của tác giả không được chuyển nhượng, trừ quyền công bố tác phẩm.
b) Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số các quyền tài sản và quyền nhân thân nhất định của mình. Tổ chức, cá nhân được chuyển quyền sử dụng quyền tác giả có thể chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác nếu được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền nhân thân của tác giả cũng không được chuyển quyền sử dụng trừ quyền công bố tác phẩm.
c) Ràng buộc pháp lý: Để có giá trị pháp lý, hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả/chuyển quyền sử dụng phải được lập thành văn bản, và phải bao gồm những nội dung chủ yếu như tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng và bên được chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng; căn cứ; phạm vi; giá, phương thức thanh toán; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả/hợp đồng sử dụng quyền tác giả được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Bảo hộ quyền liên quan
Việc Bộ Luật dân sự 2005 và Luật SHTT dành một phần riêng để quy định về quyền liên quan đến quyền tác giả có thể coi là một bước tiến lớn trong cải cách vừa rồi. Đây là lần đầu tiên khái niệm «quyền liên quan» được quy định trong luật. Trên thực tế, Bộ luật Dân sự 1995 có quy định về «quyền, nghĩa vụ của người biểu diễn, của tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình», tuy nhiên, những quyền đó chưa được xác định dưới tên «quyền liên quan». Theo Bộ Luật dân sự 2005 và Luật SHTT thì quyền liên quan bao gồm: cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, cuộc phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Đúng như tên gọi, các quyền liên quan được pháp luật bảo hộ tương đối giống quyền tác giả. Nội dung bảo hộ quyền liên quan có thể bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tuy nhiên, phạm vi bảo hộ quyền liên quan thường hạn chế hơn so với quyền tác giả, tùy vào từng loại hình. Ví dụ, người biểu diễn được hưởng quyền nhân thân và quyền tài sản, nhưng nội dung từng quyền hạn chế hơn so với quyền tác giả. Quyền nhân thân chỉ bao gồm: (i) quyền được giới thiệu tên khi biểu diễn hoặc phát hành bản ghi âm ghi hình; và (ii) quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác cắt xén, sửa đổi hoặc xuyên tạc theo bất kỳ cách thức, hình thức nào, gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn. Quyền của các tổ chức ghi âm, ghi hình, phát sóng chủ yếu chỉ bao gồm một số độc quyền khai thác và quyền lợi vật chất, được quy định tại điều 29 và 30 Luật SHTT. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan tuy cũng là 50 năm, nhưng được tính từ ngày đối tượng bảo hộ được định hình hoặc được công bố.
Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
Việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được bảo hộ. Tuy nhiên nếu đăng ký các quyền này, chủ giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả/quyền liên quan sẽ không phải chứng minh quyền tác giả/quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp (trừ khi có chứng cứ ngược lại).
Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan phải bao gồm:
 
Tờ khai theo mẫu bao gồm các thông tin sau: thông tin về người nộp hồ sơ; thông tin về tác giả, chủ sở hữu; tóm tắt nội dung đối tượng đang ký; tên tác giả, tác phẩm gốc nếu là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với thông tin ghi trong đơn;
  • 2 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 2 bản sao định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
  • Giấy ủy quyền (nếu người nộp đơn là người được ủy quyền);
  • Tài liệu chứng nhận quyền nộp đơn nếu người nộp đơn được chuyển giao quyền;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các chủ sở hữu chung, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
D&N International