Bảo hộ sáng chế tại Việt nam theo luật SHTT mới

adminquantri - January 26, 2015
Là một quốc gia có trình độ kỹ thuật lạc hậu, với trên 90% số lượng sáng chế được bảo hộ thuộc sở hữu nước ngoài, nhưng từ những năm 90 Việt nam đã cố gắng xây dựng một khung pháp lý tương đối đầy đủ, trong đó đáng kể nhất là Bộ Luật Dân sự 1995, Nghị định 63 của chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp (SHCN) và Thông tư số 30 của Bộ khoa học Công nghệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền đối với sáng chế. Tuy nhiên các quy định đó nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật, đôi khi không thống nhất, gây khó khăn cho việc thực thi.
Với nỗ lực cải cách luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm hội nhập quốc tế trong thời gian gần đây, bảo hộ sáng chế được quy định một cách hệ thống hơn tại Bộ Luật Dân sự sửa đổi 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/01/2006), và Luật SHTT (sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/07/2006 sắp tới). Bộ Luật Dân sự 2005 chỉ quy định các vấn đề chung (với 4 điều từ 750 đến 753 về SHCN và quyền đối với giống cây trồng, so với 26 điều về SHCN của Bộ luật Dân sự 1995). Còn Luật SHTT quy định chi tiết về bảo hộ SHTT bao gồm cả sáng chế.
Dưới đây là một số điểm chính về bảo hộ sáng chế theo Luật SHTT mới:
1. Điều kiện bảo hộ sáng chế:
Theo Luật SHTT, sáng chế có thể được bảo hộ dưới hai hình thức: hình thức bằng độc quyền sáng chế và hình thức bằng độc quyền giải pháp hữu ích (GPHI). Để được bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế, sáng chể phải: (i) có tính mới; (ii) có trình độ sáng tạo; và (iii) có khả năng áp dụng công nghiệp (điều 58). Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền GPHI không yêu cầu phải có trình độ sáng tạo.
Tính mới của sáng chế được so sánh với trình độ kỹ thuật trên toàn thế giới. Theo Luật SHTT, sáng chế không bị mất tính mới nếu đơn đăng ký được nộp trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày sáng chế được (i) công bố mà không được phép của người có quyền đăng ký; (ii) công bố dưới dạng báo cáo khoa học; hoặc (iii) được trưng bày tại triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế được công nhận là chính thức (điều 60). Trước đây, sáng chế có thể bị coi là mất tính mới nếu đã bị bộc lộ trong các trường hợp như vậy trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký (mặc dù cần lưu ý rằng Điều 17.2b, Nghị định 63/CP, cho phép người nộp đơn sáng chế/giải pháp hữu ích lấy ngày trưng bày triển lãm làm ngày ưu tiên).
Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu là bước tiến sáng tạo so với các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ trên thế giới mà một người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể tạo ra một cách dễ dàng (điều 61).
Sáng chế được coi là khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc có thể lặp đi lặp lại quy trình của sáng chế và thu kết quả ổn định (điều 62).
2. Thời hạn bảo hộ sáng chế:
Luật SHTT quy định thời hạn hiệu lực của sáng chế là 20 năm, của GPHI là 10 năm kể từ ngày bằng độc quyền được cấp (điều 93). Như vậy thời hạn bảo hộ sáng chế quy định tại Nghị định 63 đã được luật hóa.
3. Xác lập quyền đối với sáng chế
Quyền đối với sáng chế chỉ phát sinh trên cơ sở bằng độc quyền được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và nguyên tắc ưu tiênđược áp dụng như đối với phần lớn các đối tượng SHCN khác. Một điểm mới đáng chú ý là Luật SHTT sẽ cho phép hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng đứng tên nộp đơn đăng ký chung một sáng chế trong trường hợp họ cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế và đồng ý cùng nộp đơn (điều 86-3), để trở thành đồng chủ sở hữu.
Thủ tục đăng ký và cấp bằng được quy định khá cụ thể tại Luật SHTT và nhìn chung không có nhiều khác biệt so với quy định tại các văn bản trước (cụ thể là Nghị định 63 và Thông tư 30). Đơn sáng chế được nộp tại Cục SHTT sẽ trải qua giai đoạn xét nghiệm hình thức trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nộp đơn. Sau khi được chấp nhận hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo SHCN và các bên thứ ba có thể tiến hành thủ tục phản đối đơn. Điều 110-2 Luật SHTT quy định đơn sáng chế được công bố trên Công báo SHCN trong tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn có hưởng quyền ưu tiên, hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn. Đơn sáng chế chỉ được xét nghiệm nội dung nếu có yêu cầu. Thời hạn xét nghiêm nội dung là 12 tháng kể từ ngày công bố đơn hoặc nhận được yêu cầu thẩm định nội dung.
4. Nội dung quyền đối với sáng chế
Tác giả sáng chế được hưởng quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm: (i) được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền; (ii) được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế (điều 122). Quyền tài sản của tác giả sáng chế là quyền nhận thù lao. Nếu không có thỏa thuận khác, mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu sáng chế phải trả cho tác giả được quy định là: (i) 10% số tiền làm lợi thu được do sử dụng sáng chế; (ii) 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu sáng chế nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (điều 135).
Chủ sở hữu sáng chế có các quyền tài sản, bao gồm quyền sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế và quyền chuyển giao sáng chế (điều 123). Cụm từ « quyền sử dụng, cho phép hoặc ngăn cấm » được thay thế cho cụm từ « độc quyền » trong Bộ Luật Dân sự cũ. Tuy nhiên, sự thay đổi từ ngữ này ít có khả năng tạo ra thay đổi đáng kể về bản chất quyền tài sản so với luật cũ. Ngoài ra, Người nộp đơn sáng chế còn được hưởng quyền tạm thời chống lại việc sử dụng bất hợp pháp sáng chế trong khoảng thời gian từ khi đơn được công bố cho đến khi được cấp bằng (điều 131).
Các yếu tố hạn chế quyền đối với sáng chếquy định trong Luật SHTT về cơ bản được tổng hợp lại từ các văn bản pháp luật trước đó. Các yếu tố đó bao gồm: (i) quyền sử dụng trước (điều 134); (ii) nghĩa vụ trả thù lao (điều 135); (iii) nghĩa vụ sử dụng (điều 136); (iv) nghĩa vụ cho phép sử dụng theo quyết định của nhà nước (xem phần « Chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế » dưới đây); và (v) nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc trong trường hợp không thể sử dụng sáng chế phụ thuộc mà không xâm phạm sáng chế cơ bản (điều 137).
Liên quan đến quyền sử dụng trước, điểm đáng chú ý là: mốc thời gian để tính quyền này theo Luật SHTT là kể từ ngày công bố đơn. Cần nhắc lại rằng theo Nghị định 63, mốc này đâu tiên cũng được quy định tính kể từ ngày công bố đơn, nhưng về sau phải sửa thành ngày nộp đơn để phù hợp với Bộ Luật Dân sự cũ (Nghị định 06 sửa đổi Nghị định 63).
Ngoài ra, chủ sở hữu sáng chế không có quyền cấm người khác thực hiện các hành vi sau: (i) sử dụng sáng chế nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân, phi thương mại, hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm; (ii) sử dụng sáng chế chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam (điều 126).
5. Chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế (li-xăng bắt buộc)
Sáng chế có thể được chuyển giao theo hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng li-xăng theo các điều khoản pháp lý chung quy định về chuyển giao quyền SHCN. Tuy nhiên, pháp luật về sáng chế có những quy định riêng về li-xăng sáng chế bắt buộc.
Căn cứ bắt buộc li-xăng sáng chế: Nhà nước có thể quyết định giao li-xăng sáng chế cho các bên thứ ba có yêu cầu mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu trong các trường hợp sau: (i) việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội; (ii) sau 4 năm kể từ ngày nộp đơn sáng chế và 3 năm kể từ ngày cấp bằng độc quyền, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế; (iii) người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng li-xăng mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng; (iv) người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh  (điều 145).
Giới hạn phạm vi li-xăng bắt buộc: Hợp đồng li-xăng bắt buộc là hợp đồng không độc quyền. Bên nhận li-xăng bắt buộc không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng cho các bên thứ ba, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình, và cũng không có quyền chuyển giao li-xăng thứ cấp. Phạm vi và thời hạn li-xăng được giới hạn chỉ đủ để đáp ứng các mục tiêu có căn cứ hợp pháp. Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế phải được trả khoản tiền thỏa đáng theo khung giá đền bù do chính phủ quy định cho li-xăng bắt buộc (điều 146).
 
Thẩm quyền:Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, các cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quyết định chuyển giao li-xăng bắt buộc.
D&N International