Lần đầu tiên xử lý hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh
September 8, 2021
-
Theo báo chí trong nước, ngày 1/09/2006, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây đã bị Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) xử lý hành chính với tổng số tiền phạt là 10,5 triệu đồng (USD660) về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm hành chính về SHCN. Nhà phân phối độc quyền thuốc đau dạ dày của hãng thuốc nói trên là Công ty Xuyên Á cũng bị xử phạt 10 triệu đồng (USD625). Như vậy, chưa đầy một năm kể từ khi Nghị định 120 quy định chi tiết về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực, hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã bị xử lý hành chính lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam.
Sự việc
Nhãn hiệu « GASTROPULGITE » được bảo hộ tại Việt nam theo đơn quốc tế số 314437 do công ty SCRAS, thuộc tập đoàn IPSEN của Pháp là chủ sở hữu. SCRAS đã nộp đơn khiếu nại khi phát hiện thuốc đau dạ dày gắn nhãn « GASTRODIC » đang lưu hành trên thị trường của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây có vỏ hộp và vỏ gói thuốc được trình bày với nhiều chi tiết về mầu sắc, kiểu dáng, bao bì, kiểu chữ, cỡ chữ… tương tự gây nhầm lẫn với các sản phẩm của mình.
Ngày 30/8/2006, Thanh tra Bộ KH&CN và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế về chức vụ (tức C15) thuộc Bộ Công An đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây và Công ty Xuyên Á, kết quả đã phát hiện 1.920 vỏ hộp thuốc và 57.600 vỏ gói thuốc có gắn nhãn « GASTRODIC ». Đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây đã ký vào biên bản vi phạm. Ngoài khoản tiền phạt, các bên vi phạm còn bị buộc phải loại bỏ yếu tố vi phạm trên số vỏ hộp và vỏ gói thuốc vi phạm.
Lời bình
-
Việc lần đầu tiên xử phạt hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh cho thấy hiệu quả của việc áp dụng Nghị định 120 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh, theo đó mức phạt tiền được quy định khá cụ thể. Trước đó, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHTT đã từng được đề cập tại Nghị định số 54 ngày 3/10/2000, nhưng do chưa có quy định chi tiết về việc xử phạt nên chưa có vụ cạnh tranh không lành mạnh nào bị xử lý hành chính.
-
Trong vụ này, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây bị phạt cho hai hành vi vi phạm khác nhau, cụ thể là: (i) hành vi chỉ dẫn sai về việc sản phẩm, dịch vụ có yếu tố được bảo hộ quyền SHCN theo điểm b, khoản 1, Điều 6, Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6/03/1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về SHCN, vì đã gắn dấu hiệu ® lên vỏ hộp dù nhãn hiệu không được bảo hộ, mức phạt riêng cho hành vi này là 500 ngàn đồng; và (ii) hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ của mình và của doanh nghiệp khác nhằm mục đích cạnh tranh theo điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định 120 và điều 130 Luật SHTT, mức phạt riêng cho hành vi này là 10 triệu đồng.
-
Mặc dù mức tiền phạt có thể được tổng hợp từ nhiều hành vi vi phạm, nhưng nhìn chung mức phạt tương đối thấp, chưa có tính răn đe (Tổng cộng tiền phạt cho hai hành vi vi phạm nói trên đối với hai công ty là 20,5 triệu đồng). Tuy nhiên, có thể nói biện pháp hành chính hiện nay vẫn là biện pháp chế tài đem lại hiệu quả nhanh nhất trong việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến SHCN, trong đó có cạnh tranh không lành mạnh. Dẫu sao vụ phạt hành chính này vẫn được coi là tín hiệu tốt đối với chủ sở hữu các nhãn hiệu vì nó cho thấy quyết tâm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi quyền SHTT tại Việt nam.
(11/11/2006)