Quy định về nhượng quyền thương mại tại Việt nam

adminquantri - January 26, 2015
Nhượng quyền thương mại là hoạt động khá phổ biến trong thương mại quốc tế, nhưng tại Việt nam, vấn đề này mới được quy định lần đầu tiên tại Luật Thương mại 2006 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2006). Trong nửa đầu năm nay, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại đã tiếp tục được hoàn chỉnh với việc ban hành Nghị định 35-2006-ND-CP ngày 31/03/2006 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và thông tư số 9-2006-TT-BTM ngày 25/05/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Luật Thương mại quy định nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: (i) việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; (ii) Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Dưới đây là một số quy định đáng chú ý của pháp luật về nhượng quyền thương mại :
Điều kiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại
 
Bên nhượng quyền thương mại phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(i)                   Có đăng ký kinh doanh hợp lệ tại Việt nam hoặc nước ngoài;
(ii)                 Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất một năm; Nếu là thương nhân Việt Nam nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài thì chỉ được tiến hành cấp quyền thương mại thứ cấp sau khi đã kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại đó ít nhất một năm;
(iii)                Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan có thẩm quyền;
(iv)                Hàng hoá, dịch vụ đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại không thuộc Danh mục hàng hoá/dịch vụ bị cấm kinh doanh; hoặc nếu thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện thì phải có đủ điều kiện kinh doanh (tức là có giấy phép của cơ quan quản lý ngành, hoặc giấy tờ có giá trị tương đương).
 Bên nhận quyền thương mại phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được làm bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được làm bằng tiếng Việt, trừ trường hợp nhượng quyền thương mại ra nước ngoài (khi đó các bên có quyền lựa chọn ngôn ngữ khác). Thời hạn hợp đồng và giá nhượng quyền do hai bên tự thỏa thuận.
Nếu các bên không có thỏa thuận khác, một bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại phải được Bên nhượng quyền giao cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Nội dung bắt buộc của bản giới thiệu được Bộ Thương mại quy định tại Phụ lục III của Thông tư số 9 bao gồm nhiều chi tiết liên quan đến Bên nhượng quyền, nhãn hiệu /quyền sở hữu trí tuệ, chi phí ban đầu mà bên nhận quyền phải trả, các chi phí tài chính khác của bên nhận quyền, đầu tư ban đầu của bên nhận quyền, nghĩa vụ của mỗi bên, mô tả thị trường, thông tin về hệ thống nhượng quyền, báo cáo tài chính của bên nhượng quyền….
Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: (i) Nội dung của quyền thương mại; (ii) Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; (iii) Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền; (iv) Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán; (v) Thời hạn hiệu lực của hợp đồng; (vi) Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp được lập thành một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, và phải phù hợp với pháp luật về sở hữu công nghiệp.
Đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
 
Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, Bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền (chứ không phải đăng ký từng hợp đồng nhượng quyền thương mại riêng lẻ).
Tùy theo việc nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài hay không, Bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền tại cơ quan có thẩm quyền tương ứng. Bộ Thương mại thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, và từ Việt Nam ra nước ngoài. Sở Thương mại, Sở Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến nhượng quyền đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước.
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại phải bao gồm :
(i)                   Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu quy định tại Thông tư số 9 (mẫu nộp cho Bộ Thương mại có một số điểm khác với mẫu nộp cho các Sở thương mại);
(ii)                 Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Thông tư số 9;
(iii)                Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;
(iv)                Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp;
(v)                  Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký có trách nhiệm phải đăng ký hoặc ra quyết định từ chối và thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn. Các thông tin về tình hình đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ được đăng lên website của Bộ Thương mại.

D&N International