Vụ BELLMONA: Giành lại quyền đăng ký nhãn hiệu cho đơn nộp sau tại Campuchia bằng việc chứng minh chủ sở hữu đích thực

adminquantri - September 22, 2022

Vừa qua, Công ty TNHH Quốc tế D&N đã đại diện cho  RONASCOSMETIC CO., LTD. đăng ký thànhBellmona V công nhãn hiệu BELLMONA tại Campuchia mặc dù đã có bên thứ ba nộp đơn đăng ký trước cho nhãn hiệu này.

Sự việc:

Khách hàng của chúng tôi, RONASCOSMETIC CO., LTD., một nhà sản xuất mỹ phẩm của Hàn Quốc, đã đăng ký và sử dụng nhãn hiệu BELLMONA và biến thể cách điệu “Logo” cho sản phẩm mỹ phẩm tại nhiều nước trên thế giới.

Ngày 17/07/2020, Công ty TNHH Quốc tế D&N được sự ủy quyền của RONASCOSMETIC CO., LTD. nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu BELLMONA cho các sản phẩm mỹ phẩm thuộc nhóm 03 tại Campuchia (“Nhãn Hiệu”).

Ngày 17/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ Campuchia ra thông báo từ chối tạm thời đối với Nhãn Hiệu vì tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn Hiệu Đối Chứng Kh9083220 Th của URBAN COSME CO., LTD có ngày nộp đơn sớm hơn (cụ thể là ngày 26/02/2020). Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ Campuchia yêu cầu RONASCOSMETIC CO., LTD cung cấp chứng cứ chứng minh công ty là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu.

Nhận thấy chủ đơn của Nhãn Hiệu Đối Chứng đã nộp đơn trên cơ sở không trung thực cho chính nhãn hiệu đang được RONASCOSMETIC CO., LTD. sử dụng, Công ty TNHH Quốc tế D&N đã tư vấn cho khách hàng thu thập các bằng chứng chứng minh việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu BELLMONA và biến thể Logo trên thị trường từ trước ngày nộp đơn của Nhãn Hiệu Đối Chứng và và cung cấp các tài liệu này cho Cục Sở hữu trí tuệ Campuchia để chứng minh rằng chính công ty mới là chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu.

Đáng lưu ý, trong vụ việc này, Cục Sở hữu trí tuệ Campuchia đồng thời cũng yêu cầu chủ đơn của Nhãn Hiệu Đối Chứng, URBAN COSME CO., LTD., cung cấp bằng chứng chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu BELLMONA, nhưng chủ đơn này không có ý kiến trả lời nên Nhãn Hiệu Đối Chứng đã bị từ chối chính thức vào ngày 14/07/2021.

Theo đó, sau khi xem xét các chứng cứ và lập luận do Công ty TNHH Quốc tế D&N thay mặt khách hàng cung cấp, Cục Sở hữu trí tuệ Campuchia đã chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu BELLMONA cho RONASCOSMETIC CO., LTD.

Lời bình:

Quy định của Điều 4(g) Luật Nhãn hiệu, Tên thương mại và Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (gọi tắt là “Luật Nhãn hiệu”) cho thấy Campuchia cũng là quốc gia áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” trong thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” tại Campuchia có một điểm khác biệt so với nhiều quốc gia khác: Khi có nhiều chủ thể nộp đơn đăng ký cùng một nhãn hiệu hoặc cho các nhãn hiệu tương tự đến mức không thể phân biệt được với nhau cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự, với các ngày nộp đơn khác nhau, thì theo Điều 9(a) Luật Nhãn Hiệu, nguyên tắc “chủ sở hữu đích thực” sẽ được ưu tiên áp mà không phải là nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Cụ thể, trong trường hợp này: (i) chủ đơn của nhãn hiệu nộp trước không mặc nhiên được coi là người có quyền đăng ký; (ii) tất cả các chủ đơn của nhãn hiệu nộp trước và nhãn hiệu nộp sau đều được yêu cầu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu, mà bản chất là chứng minh rằng họ là người tạo ra và đã thực sự sử dụng trước nhãn hiệu trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp đó, trong trường hợp chỉ một trong các bên có ý kiến trả lời yêu cầu của Cục SHTT, bên đó sẽ được coi là chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu. Trường hợp các bên đều có ý kiến trả lời, khẳng định quyền sở hữu của mình, thì Cục SHTT sẽ tiếp tục yêu cầu các bên phản biện hoặc đối chất/đối thoại để có căn cứ xem xét tiếp.

Trong vụ việc này, chủ đơn nhãn hiệu nộp trước đã không có ý kiến trả lời Cục, cho thấy họ không phải chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu, do đó Cục SHTT Campuchia hoàn toàn có căn cứ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu nộp sau của RONASCOSMETIC CO., LTD.

Có thể thấy đây là điểm thú vị của pháp luật về nhãn hiệu của Campuchia, có sự kết hợp tương đối hợp lý giữa nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” (first to file) và nguyên tắc “sử dụng trước” (first to use) trong việc quyết định quyền sở hữu đối với nhãn hiệu theo đơn đăng ký, đảm bảo công bằng cho chủ sở hữu đích thực của nhãn hiệu chống lại các đối tượng chủ ý đăng ký nhãn hiệu với ý đồ xấu, lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu do người khác đã dày công tạo dựng.