Vụ khiếu nại liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu “D&N”: Bảo hộ nhãn hiệu được tạo nên từ hai chữ cái đơn giản
Vừa qua, Công ty Quốc tế D&N đã thành công trong việc khiếu nại quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu “D&N” cho các dịch vụ thuộc các nhóm 35, 36, 41, 42, & 45. Điều đáng chú ý là nhãn hiệu trong vụ khiếu nại này được tạo nên từ hai chữ cái đơn giản và dấu “&” được cho là không có khả năng phân biệt.
Sự việc
Công ty Quốc tế D&N (“Công ty D&N”) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “D&N” cho các dịch vụ thuộc các nhóm 35, 36, 41, 42, & 45 (“Nhãn Hiệu”) tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu này trên cơ sở Điều 74.2a Luật SHTT vì cho rằng Nhãn Hiệu chỉ là các chữ cái đơn giản, do đó không có khả năng phân biệt.
Không đồng ý với ý kiến từ chối của Cục SHTT, ngày 22/05/2014, Công ty D&N đã nộp đơn khiếu nại vào Cục SHTT để phản đối việc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Nhãn Hiệu bằng việc chứng minh Nhãn Hiệu là một trong những trường hợp ngoại lệ vì Nhãn Hiệu đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi và nhờ đó Nhãn Hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với dịch vụ liên quan. Để chứng minh điều này, Công ty D&N có các lập luận sau:
- Nhãn Hiệu cũng chính là tên thương mại của Người nộp đơn và đã được sử dụng liên tục từ năm 1992;
- Kể từ khi thành lập cho tới thời điểm hiện tại, Công ty D&N đã cung cấp dịch vụ tư vấn và các dịch vụ liên quan cho các khách hàng ở trên 50 quốc gia trên thế giới từ Châu Á tới Châu Úc, Châu Âu và Châu Mỹ;
- Thông qua việc cung cấp các dịch vụ mang Nhãn Hiệu thường xuyên và liên tục cho các khách hàng trong nước cũng như các khách hàng trên toàn thế giới trong suốt 20 năm qua, Nhãn Hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với các dịch vụ liên quan và được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm;
- Công ty D&N và Nhãn Hiệu được quảng cáo và quảng bá rộng rãi thông qua nhiều kênh quảng cáo;
- Doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ mang Nhãn Hiệu liên tục tăng trưởng trong vòng năm 5 từ 2008 đến 2013;
- Tên thương mại “D&N” cũng được người nộp đơn liên tục sử dụng trong các văn bản giấy tờ giao dịch hai chiều với Cục SHTT.
Tất các các lập luận nêu trên đều kèm theo các chứng cứ chứng minh bao gồm: bản sao giấy đăng ký kinh doanh có phần tên thương mại “D&N”, các tài liệu liên quan đến việc sử dụng Nhãn Hiệu D&N, danh sách khách hàng, các đánh giá xếp hạng của các tạp chí liên quan đến lĩnh vực SHTT, bản sao các trang thông tin về Công ty D&N…
Sau khi xem xét các lập luận và chứng cứ do Công ty D&N cung cấp, ngày 25/01/2016, Cục SHTT đã ra Quyết định số 239/QĐ-SHTT chấp nhận khiếu nại của Công ty D&N đồng thời chấp nhận bảo hộ Nhãn Hiệu cho các dịch vụ xin đăng ký.
Lời bình:
Theo qui định của Luật SHTT cũng như trên thực tiễn thì các nhãn hiệu chỉ là hình, hình học đơn giản, chữ số, chữ cái đơn giản vẫn có thể đăng ký bảo hộ thành công nếu chủ sở hữu của nhãn hiệu đó chứng minh được rằng các nhãn hiệu đó đã và đang được sử dụng với chức năng một nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trước thời điểm nộp đơn đăng ký. Như vậy đối với trường hợp này, các bằng chứng chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu là rất quan trọng vì đó chính là yếu tố quyết định sự thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu loại này.