Vụ khiếu nại liên quan đến nhãn hiệu Emart : Xem xét tổng thể nhãn hiệu để đánh giá tính phân biệt
Vừa qua, Công ty Quốc tế D&N đã thành công trong việc khiếu nại quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu cho các dịch vụ thuộc nhóm 35. Vụ này một lần nữa cho thấy để đánh giá tính phân biệt, nhãn hiệu cần được xem xét một cách tổng thể. Một nhãn hiệu là sự kết hợp của các yếu tố ít hoặc không có khả năng phân biệt có thể được coi là có khả năng phân biệt về tổng thể.
Sự việc
Công ty E-MART Co., Ltd của Hàn Quốc (“Công ty E-MART”) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho các dịch vụ “bán buôn, bán lẻ các loại sản phẩm…” thuộc nhóm 35 (“Nhãn Hiệu”) tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu này vì cho rằng: (i) Nhãn Hiệu trực tiếp gợi ý cho người tiêu dùng liên tưởng đến loại hình dịch vụ thương mại điện tử hoặc mua bán qua mạng – “electronic mart” ở nhóm 35, do đó Nhãn Hiệu bị coi là mô tả dịch vụ xin đăng ký (Điều 74.2c); và (ii) Nhãn Hiệu tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước là và (“các Nhãn Hiệu Đối Chứng”) (Điều 74.2(e) Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).
Không đồng ý với ý kiến từ chối của Cục SHTT, ngày 20/03/2013, công ty E-MART thông qua đại diện là Công ty Quốc tế D&N, đã nộp đơn khiếu nại vào Cục SHTT để phản đối việc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Nhãn Hiệu với các lập luận sau đây:
Liên quan đến cơ sở từ chối tuyệt đối:
Theo chủ nhãn hiệu, Nhãn Hiệu có tính phân biệt vì được trình bày cách điệu, bao gồm cả màu sắc và điểm nhấn là chữ “e”, nên tổng thể nhãn hiệu tạo được ấn tượng riêng tác động tới nhận thức của người tiêu dùng, và không trực tiếp gợi ý cho người tiêu dùng liên tưởng đến loại hình dịch vụ thương mại điện tử hoặc mua bán qua mạng “electronic mart” vì:
- Không tìm thấy “emart” trong từ điển Anh-Việt, hoặc Anh-Anh
- Chữ “e” trong Nhãn Hiệu mang ý nghĩa “everyday” để truyền tải thông điệp: “Emart giúp nâng cao đời sống hàng ngày của bạn bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tươi mới mỗi ngày”; hình “” trong chữ “e” giống hình chiếc tai, truyền tải ý nghĩa: Chúng tôi lắng nghe những gì khách hàng nói; hình “” trong chữ “a” giồng hình chiếc lá thể hiện sự tươi mới.
- Trên thực tế, có rất nhiều nhãn hiệu đang được bảo hộ là sự kết hợp của một chữ cái và từ “mart” cho các dịch vụ “bán buôn, bán lẻ” tương tự như cách thể hiện của Nhãn Hiệu đăng ký. Việc phổ biến này khiến người tiêu dùng có thể phân biệt được Nhãn Hiệu đăng ký mà không có bất kỳ liên tưởng đến loại hình dịch vụ thương mại điện tử.
- Tại Việt nam, Nhãn Hiệu đã đươc bảo hộ cho các nhóm 1, 2,3, 5, 8, 9, 10, 11, 14, 16, 18, 20, 21, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, & 45
- Nhãn Hiệu đã được đăng ký tại một số quốc gia trên thế giới, được sử dụng và thừa nhận rộng rãi (có kèm tài liệu chứng minh);
- Doanh thu từ việc kinh doanh sản phẩm/dịch vụ giai đoạn 2009-2013 vẫn gia tăng;
- Tại Việt Nam, Công ty E-MART đã được ủy ban nhân dân thành phố HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án siêu thị đầu tiên “EMART Gò vấp” và đã đầu tư 60 triệu Đô la Mỹ xây dựng đại siêu thị này.
- Nhãn Hiệu có yêu cầu bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng các yếu tố “e” và “mart”.
Liên quan đến cơ sở từ chối tương đối:
Chủ nhãn hiệu lập luận rằng Nhãn Hiệu không tương tự gây nhầm lẫn với 2 nhãn đối chứng vì:
- Yếu tố “E”, “mart”, “eMart” trong 02 nhãn hiệu đối chứng không được bảo hộ riêng;
- Xét về tổng thể Nhãn Hiệu khác 02 Nhãn Hiệu Đối Chứng về cầu trúc, hình thức thể hiện và cách phát âm;
- Các nhãn hiệu có chứa các yếu tố “e” và “mart” được đăng ký cho các dịch vụ tương tự và cùng loại/có liên quan đã được cấp cho các chủ thể khác nhau và cùng tồn tại trên thị trường mà không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm/dịch vụ;
- Nhãn Hiệu có yêu cầu bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng các yếu tố “e” và “mart”.
Sau khi xem xét các lập luận và chứng cứ do Công ty E-MART cung cấp, ngày 09/12/2015, Cục SHTT đã ra Quyết định số 3158/QĐ-SHTT chấp nhận khiếu nại của Công ty E-MART đồng thời chấp nhận bảo hộ tổng thể Nhãn Hiệu cho các dịch vụ xin đăng ký thuộc nhóm 35.