Vụ nhãn hiệu “ENSHU”: CÂN NHẮC XIN THƯ CHẤP THUẬN TỪ CHỦ SỞ HỮU NHÃN HIỆU ĐỐI CHỨNG

adminquantri - December 11, 2017

 

Gần đây, Công ty Quốc tế D&N, đại diện cho ENSHU Limited (Nhật Bản), đã vượt qua từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) để đăng ký thành công nhãn hiệu “enshu” tương tự với nhãn hiệu “ENSHU” đang được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 121449 (“Nhãn hiệu đối chứng”).

Sự việc

Công ty ENSHU Limited (Nhật Bản) (gọi tắt là “ENSHU Nhật Bản”) đã nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam cho nhãn hiệu “enshu” cho các sản phẩm nhóm 07. Tuy nhiên, Cục SHTT ra thông báo dự định từ chối bảo hộ nhãn hiệu này vì cho rằng Nhãn Hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ như qui định tại Điều 74.2e Luật SHTT do tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký trước “ENSHU” cho các sản phẩm tương tự và có liên quan của Công ty TNHH ENSHU Việt Nam (gọi tắt là “ENSHU Việt Nam”).

Sau khi xem xét vụ việc, nhận thấy Người nộp đơn, công ty ENSHU Nhật Bản, và chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng, công ty ENSHU Việt Nam có mối liên hệ với nhau, Công ty D&N đã tư vấn và hỗ trợ ENSHU Nhật Bản xin “thư chấp thuận” từ ENSHU Việt Nam. Đồng thời, công ty Quốc tế D&N cũng thay mặt công ty ENSHU Nhật Bản phúc đáp từ chối của Cục SHTT có kèm theo thư chấp thuận của công ty ENSHU Việt Nam.

Sau khi xem xét tài liệu phúc đáp, ngày 12/09/2017, Cục SHTT đã ra Quyết định số 2970/QĐ-SHTT chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu enshu cho các sản phẩm thuộc nhóm 07 của công ty ENSHU Nhật Bản.

Lời bình:

Khi đơn đăng ký nhãn hiệu ký bị từ chối do tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được nộp đơn/đăng ký trước, thì một trong những giải pháp để vượt qua từ chối loại này là xin thư chấp thuận từ chủ sở hữu Nhãn hiệu đối chứng.

Tuy nhiên, trước khi chọn giải pháp này, người nộp đơn cần cân nhắc về rủi ro sẽ gặp phải khi tiến hành xin thư chấp thuận. Nếu giữa người nộp đơn và chủ sở hữu Nhãn hiệu đối chứng có mối liên hệ với nhau (ví dụ: là công ty mẹ và công ty con), thì việc xin thư chấp thuận rất thuận lợi. Tuy nhiên, nếu người nộp đơn và chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng không có mối liên hệ gì với nhau, thì cần lưu ý khả năng chủ sở hữu Nhãn hiệu đối chứng có thể sẽ tiến hành phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của người nộp đơn khi được biết về việc nộp đơn đó.