Vụ phản đối nhãn hiệu “RIVER WOOD” và khái niệm “nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi”

adminquantri - May 26, 2016

Vừa qua, Công ty Quốc tế D&N đã thành công trong việc phản đối đăng ký nhãn hiệu “RIVER WOOD” gần như trùng với nhãn hiệu “RIVER WOODS” của Công ty American Clothing Associates (“Công ty ACA”) đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng lưu ý là nhãn hiệu của Công ty ACA chưa được đăng ký hay sử dụng ở Việt Nam.

Sự việc

Công ty American Clothing Associates (“Công ty ACA”) là chủ sở hữu nhãn hiệu “RIVER WOODS” cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc các nhóm 3, 9, 14, 16, 18, 20, 24, 25. 35 & 40 (“Nhãn Hiệu”) được đăng ký và sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã được công nhận là nổi tiếng tại một số quốc gia.

Khi phát hiện một công ty Việt Nam mang tên Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (“Công ty Thành Công”), nộp đơn đăng ký tại Việt Nam cho nhãn hiệu “RIVER WOOD” (“Nhãn Hiệu Bị Phản Đối), gần như trùng với nhãn hiệu của mình, cho các dịch vụ thuộc nhóm 35, 36, 37, 43 & 44, ngày 29/05/2012, Công ty ACA, thông qua đại diện là Công ty Quốc tế D&N, đã nộp đơn vào Cục SHTT để phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Công ty Thành Công.

Các lập luận sau đã được Công ty ACA đưa ra trong đơn phản đối để khẳng định rằng Nhãn Hiệu Bị Phản Đối không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ: (i) Nhãn Hiệu của Công ty ACA là nhãn hiệu đã được đăng ký và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, đã trở nên nổi tiếng cho các sản phẩm và dịch vụ tương tự và có liên quan; (ii) Chủ sở hữu của Nhãn Hiệu và chủ sở hữu của Nhãn Hiệu Bị Phản Đối có cùng lĩnh vực kinh doanh, nên việc đăng ký và sử dụng Nhãn Hiệu Bị Phản Đối trùng với Nhãn Hiệu sẽ làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng chủ sở hữu của Nhãn Hiệu và chủ sở hữu của Nhãn Hiệu Bị Phản Đối có mối quan hệ kinh doanh với nhau dẫn đến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm/dịch vụ mang các nhãn hiệu.

Để chứng minh Nhãn Hiệu được sử dụng rộng rãi, các tài liệu sau đã được Công ty ACA cung cấp cho Cục SHTT:

  • Danh sách các văn bằng bảo hộ và đơn đã nộp cho nhãn hiệu «RIVER WOODS » trên toàn thế giới;
  • Danh sách các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm mang nhãn hiệu RIVER WOODS trên toàn thế giới, giai đoạn từ 2004-2012;
  • Danh sách các nhà phân phối, nhà cung cấp và nhận quyền sử dụng nhãn hiệu RIVER WOODS của Công ty ACA;
  • Doanh số hàng năm của việc bán các sản phẩm mang nhãn hiệu RIVER WOODS cho giai đoạn từ 2004-2011;
  • Danh sách một số hóa đơn xuất khẩu sản phẩm mang nhãn hiệu “RIVER WOODS”
  • Danh sách khách hàng trên thế giới của Công ty ACA;
  • Danh sách khách hàng đã đặtt hàng cho các sản phẩm mặc vào mùa đông năm 2012 tính đến thời điểm hiện tại;
  • Các tài liệu quảng cáo, quảng bá nhãn hiệu;
  • Bản sao Quyết định giải quyết phản đối nhãn hiệu trong đó cơ quan Sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc đã công nhận nhãn hiệu « RIVER WOODS » của Công ty ACA là nhãn hiệu nổi tiếng thế giới

Sau khi xem xét các lập luận và chứng cứ do Công ty ACA cung cấp, ngày 18/06/2015,   Cục SHTT đã ra thông báo chấp nhận phản đối của Công ty ACA, từ chối bảo hộ Nhãn Hiệu Bị Phản Đối với lí do việc đăng ký Nhãn Hiệu Bị Phản Đối gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ do Công ty ACA cung cấp.

Lời bình:

Có thể thấy đây không phải lần đầu tiên Cục SHTT từ chối đăng ký một nhãn hiệu với lý do có khả năng gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài, mặc dù nhãn hiệu này chưa hề được đăng ký hay sử dụng ở Việt Nam.

Thú vị là trong vụ việc này, cũng như các vụ việc tương tự, Cục SHTT không chính thức công nhận Nhãn Hiệu là nổi tiếng, nhưng lại khẳng định Nhãn Hiệu Bị Phản Đối có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc với Nhãn Hiệu, nói cách khác là ngầm công nhận việc Nhãn Hiệu được “sử dụng rộng rãi” ở nước ngoài. Tuy nhiên, rất khó có thể xác định được sự khác biệt giữa khái niệm “nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi” và nhãn hiệu nổi tiếng. Để chứng minh nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi, các chủ sở hữu nhãn hiệu thường sử dụng các tiêu chí giống như các tiêu chí để chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng. Có điều, theo một số đại diện SHTT, trên thực tế có vẻ tiêu chí để xác định một nhãn hiệu là được sử dụng rộng rãi sẽ ít khắt khe hơn và dễ được Cục SHTT chấp nhận hơn là xác định một nhãn hiệu là “nổi tiếng”.

Cần nhắc lại là điều 4 Luật SHTT quy định “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Điều 75 Luật SHTT đưa ra một số tiêu chí để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, tuy nhiên, việc áp dụng các điều khoản này trên thực tế rất khó khăn, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Cho đến nay, vẫn chưa có nhãn hiệu nào được chính thức công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.