Vụ phúc đáp dự định từ chối liên quan đến đơn đăng ký nhãn hiệu “10-FLEX”: BẢO HỘ NHÃN HIỆU ĐƯỢC TẠO NÊN TỪ KÝ TỰ SỐ ĐƠN GIẢN VÀ THÀNH PHẦN MANG TÍNH MÔ TẢ
Vừa qua, Công ty Quốc tế D&N đã thành công trong việc phúc đáp dự định từ chối bảo hộ của Cục SHTT đối với nhãn hiệu “10-FLEX”. Điều đáng chú ý là nhãn hiệu trong vụ việc này được tạo nên từ ký tự số đơn giản và thành phần mang tính mô tả, được trình bày ở phông chữ thông thường nên được cho là không có khả năng phân biệt.
Sự việc
Công ty TOZEN Corporation (Nhật Bản) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “10-FLEX” cho các sản phẩm “Đầu nối ống dẫn (không bằng kim loại); khớp nối linh động (không bằng kim loại)” thuộc nhóm 17(“Nhãn Hiệu”) tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu này trên cơ sở các Điều 74.2a và Điều 74.2c Luật SHTT vì cho rằng Nhãn Hiệu chỉ là tập hợp của ký tự số (số 10) và thành phần mang tính mô tả (chữ FLEX, viết tắt của từ FLEXIBLE có nghĩa là “mềm dẻo, dễ uốn, co dãn, linh động”), do đó không có khả năng phân biệt.
Không đồng ý với ý kiến từ chối của Cục SHTT, ngày 23/06/2016, Công ty TOZEN Corporation, thông qua Công ty D&N, đã nộp công văn phúc đáp để phản đối dự định từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Nhãn Hiệu với lập luận rằng Nhãn Hiệu có khả năng tự phân biệt mặc dù là kết hợp của các ký tự số và chữ không có hoặc ít có khả năng phân biệt, cụ thể như sau:
- Nhãn Hiệu được hình thành từ sự kết hợp của số 10 và từ tiếng Anh FLEX được gắn kết bởi dấu gạch ngang (-) tạo thành 1 tổng thể không tách rời;
- Nhãn Hiệu là một nhãn hiệu tự tạo, không mang một ý nghĩa cụ thể nào;
- Nhãn Hiệu đã được coi là có khả năng tự thân phân biệt và đã được bảo hộ tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản;
- Dẫn chứng một trường hợp tương tự cũng đã được chấp nhận bảo hộ trong quá trình giải quyết khiếu nại tại Nhật Bản.
Ngoài ra, để củng cố cho các lập luận trong công văn phúc đáp, theo tư vấn của Công ty D&N, Công ty TOZEN Corporation có cung cấp thêm bằng chứng chứng minh Nhãn Hiệu đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi và nhờ đó Nhãn Hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với các sản phẩm liên quan.
Sau khi xem xét các lập luận và chứng cứ do Công ty D&N cung cấp, ngày 10/05/2017, Cục SHTT đã ra Thông báo số 16245/SHTT-NH2 chấp nhận các lập luận của Công ty D&N đồng thời chấp nhận bảo hộ tổng thể Nhãn Hiệu cho các sản phẩm xin đăng ký.
Lời bình:
Theo qui định hiện hành cũng như trên thực tiễn thì các nhãn hiệu chỉ là sự kết hợp đơn giản của các ký tự số và chữ không có hoặc ít có khả năng phân biệt vẫn có thể đăng ký bảo hộ thành công nếu đơn đăng ký đó có kèm theo bằng chứng chứng minh rằng các nhãn hiệu đó đã và đang được sử dụng với chức năng một nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trước thời điểm nộp đơn đăng ký. Như vậy đối với trường hợp này, các bằng chứng chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu là rất quan trọng vì đó chính là yếu tố quyết định sự thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu loại này.