Vụ tranh chấp bản quyền phần mềm thứ hai ra tòa

adminquantri - September 8, 2021
Theo thông tin từ báo chí trong nước, ngày 17/01/2007 Tòa án Kinh tế Hà nội đã thụ lý hồ sơ Công ty Hà Nội Software kiện công ty Thương mại số về việc sao chép trái phép phần mềm WEB++. Như vậy, 1 năm rưỡi sau khi kết thúc vụ kiện bản quyền phần mềm đầu tiên liên quan đến phần mềm Lemon3, vụ tranh chấp thứ hai trong lĩnh vực này đã được đưa ra tòa. Điều này cho thấy các nhà sản xuất phần mềm Việt Nam đã bước đầu từ bỏ thế thụ động, mạnh dạn dùng con đường tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Sự việc

Tháng 9/2006, Công ty Hà nội Software phát hiện phần mềm I-Web do công ty Thương Mại Số đang kinh doanh có nhiều điểm giống với sản phẩm WEB++ của mình. Sau thời gian tự điều tra, Hà Nội Software phát hiện nhân viên cũ tên Hoàng Tùng đã chuyển sang làm việc cho công ty Thương mại số và cho rằng người này là nguyên nhân của việc sao chép trái phép WEB++ để phát triển thành I-Web.
Trong buổi thương lượng hòa giải ngày 23/10/2006 Công ty Thương Mại Số thừa nhận đã sử dụng chương trình WEB++ phát triển thành I-Web để bán ra thị trường. Ngày 24/10/2006, Công ty Thương Mại Số đã có văn bản xin lỗi chính thức, đồng thời cam kết không tiếp tục sử dụng phần mềm I-Web có dựa trên kiến trúc của WEB++, loại bỏ những đoạn mã tranh chấp trong thời hạn 3 tháng và bồi thường cho Hà Nội Software 43 triệu đồng. Ông Hoàng Tùng cũng gửi thư xin lỗi và cam kết sẽ sửa chữa những đoạn mã vi phạm.
Tuy nhiên, sau khi chuyển một phần tiền bồi thường, Công ty Thương mại số bỗng nhiên ngừng việc thực hiện các cam kết nói trên. Theo giải thích của công ty này, sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do họ phát hiện ra rằng bản thân WEB++ cũng được sao chép lại từ phần mềm có tên QWeb Suite của công ty MultiTech (giám đốc của cả hai công ty Hà Nội Software và Thương mại số khởi nghiệp tại MultiTech). Công ty Thương mại số cho biết đã được MultiTech chuyển giao quyền sử dụng QWeb Suite từ ngày 28/10/2006.
Trong khi đó, Hà Nội Software khẳng định WEB++ là một sản phẩm hoàn toàn không liên quan đến QWeb Suite của MultiTech, và tuyên bố đã có các tài liệu chứng minh sự độc lập của 2 phần mềm này, đồng thời sẵn sàng nhờ giám định kỹ thuật để xác thực các tài liệu, văn bản liên quan. Như vậy sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết và phải còn phải chờ phán quyết của tòa. Công ty Quốc tế D&N sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về diễn biến của vụ này.
Lời bình
Cũng như trong vụ kiện đầu tiên giữa công ty Tin học Gia định và công ty PCI liên quan đến phần mềm Lemon3, vụ thứ hai này cho thấy tranh chấp thường xảy ra khi nhân viên phát triển phần mềm chuyển sang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh. Việc bảo vệ mã nguồn trong những trường hợp như vậy là mối lo của bất cứ công ty sản xuất phần mềm nào. Để tự bảo vệ, các công ty cần phải có các biện pháp bảo mật và ghi vào hợp đồng lao động điều khoản bảo mật ràng buộc họ ngay cả sau khi hợp đồng hết hạn. Việc khởi kiện có thể được thực hiện đối với hành vi vi phạm bí mật kinh doanh, một đối tượng của quyền SHCN hoặc/và vi phạm trách nhiệm dân sự. Tuy trên thực tế chưa có vụ kiện nào tương tự trong đó nhân viên cũ trực tiếp là bị đơn, nhưng về nguyên tắc hành vi phạm như vậy có thể bị tòa tuyên phạt bồi thường.
Về mặt pháp lý, vụ kiện về bản quyền phần mềm hiện nay đặt ra một số vấn đề sau :
  1. Sao chép phần mềm là chuyện rất phổ biến ở Việt nam, nhưng các vụ tranh chấp được đưa ra tòa vẫn rất hi hữu. Nguyên nhân là do doanh nghiệp thường cho rằng việc kiện tụng quá phức tạp, mà kết quả lại không chắc chắn. Mặc dù bên nguyên trong vụ kiện Lemon3 được coi là thắng kiện, đáng tiếc là phán quyết cuối cùng của tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã không được công bố rộng rãi để tạo tiền lệ khuyến khích các doanh nghiệp tiến hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua con đường tòa án. Qua báo chí, người ta chỉ biết rằng trong một buổi hòa giải tại tòa bên bị đã chấp nhận công khai xin lỗi, trả lại mã nguồn, cam kết không tiếp tục vi phạm và bồi thường một khoản tiền cho bên nguyên. Vụ kiện được dư luận trong và ngoài nước quan tâm này sau đó được khép lại một cách âm thầm và không gây tiếng vang.

 

  1. Một trong những khó khăn thường gặp trong tranh chấp bản quyền phần mềm là việc chứng minh quyền sở hữu. Cũng như đối với các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật, bản quyền đối với một chương trình máy tính được bảo hộ kể từ thời điểm được sáng tạo ra, mà không cần đến bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Tuy nhiên, khi có tranh chấp, nghĩa vụ chứng minh quyền sở hữu thuộc về bên khẳng định mình là chủ sở hữu. Vì vậy, nếu không thực hiện đăng ký bản quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp cũng cần tự chuẩn bị chứng cứ bằng cách lưu giữ cẩn thận và có hệ thống quá trình làm việc sáng tạo của mình. Trong vụ Lemon3, sở dĩ công ty Định gia có thể chứng minh được một cách tương đối dễ dàng quyền sở hữu đối với phần mềm này là do công ty này đã lưu giữ đầy đủ các giấy tờ liên quan đến việc phác thảo ý tưởng về phát triển phần mềm, lịch phân công các lập trình viên viết từng phần của phần mềm, địa chỉ của các lập trình viên không còn làm việc tại công ty v.v… Trong vụ WEB++ hiện nay, bên bị cho rằng phần mềm WEB++ không phải do chính Hà Nội Software tự sáng tạo ra, mà đã sao chép từ một sản phẩm khác là Q-Web Suite của công ty MultiTech. Vì vậy, để có sức thuyết phục trước tòa, bên nguyên sẽ phải chứng minh là chính họ đã sáng tạo ra WEB++ mà không sao chép Q-Web Suite.
Dù bên nguyên (công ty Hà Nội Software) có đủ bằng chứng để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với WEB++ hay không, thì họ vẫn có thể đồng thời kiện công ty Thương mại số về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đòi bồi thường thiệt hại theo luật cạnh tranh. Việc công ty Thương mại số từng có văn bản chính thức công nhận đã sao chép phần mềm này, việc người tiêu dùng có thể nhầm lẫn về hai sản phẩm và thiệt hại của công ty Hà Nội Software có thể là những chi tiết cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
(28/4/2007)