Vụ tranh chấp nhãn hiệu HWASUNG
September 8, 2021
-
Vụ tranh chấp nhãn hiệu HWASUNG trong thời gian gần đây giữa Công ty TNHH Công nghiệp Thiên Phú và Công ty Cáp điện SH-VINA đã đặt ra một số vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với thực tiễn áp dụng luật nhãn hiệu tại Việt nam. Đó là vấn đề liên quan đến nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và cơ sở của việc hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp.
Sự việc
Công ty TNHH Công nghiệp Thiên Phú, có trụ sở tại 22 Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng,được thành lập theo Giấy phép kinh doanh số 0102004510 ngày 01/02/2002 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. Công ty Thiên Phú là chủ sở hữu của nhãn hiệu HWASUNG nộp đơn ngày 01/12/2004 cho các sản phẩm dây, cáp điện và một số thiết bị điện thuộc nhóm 9, và được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 67384 ngày 19/10/2005. Công ty này đồng thời là chủ sở hữu của nhãn hiệu HEE SUNG được bảo hộ theo giấy chứng nhận số 62539 cũng cho các sản phẩm nhóm 9 trong đó có dây và cáp điện.
Công ty Cáp điện SH-VINA, có trụ sở tại lô 01, KCN Khai Quang, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là công ty 100% vốn nước ngoài, được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 65/GP-VP ngày 28/10/2004 do UBND Vĩnh Phúc cấp, với mục đích sản xuất kinh doanh dây cáp điện và cáp điện thoại các loại tại Việt Nam.
Theo Công ty Cáp điện SH-VINA, dây cáp điện mang nhãn hiệu HWASUNG đã được Cty HWASUNG nhập và tiêu thụ tại Việt Nam thông qua một số đại lý từ năm 2002 đến 2006. Việc nhập khẩu này chỉ dừng lại kể từ khi Công ty SH-VINA bắt đầu đi vào sản xuất. Dây cáp điện do Công ty SH-VINA sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu SH- HWASUNG. Tuy nhiên, mãi đến ngày 25/05/2006 công ty này mới nộp đơn vào Cục SHTT xin đăng ký nhãn hiệu HWASUNG cho các sản phẩm dây và cáp điện và các thiết bị điện thuộc nhóm 09. Nhãn hiệu này đã bị từ chối đăng ký với lý do trùng với nhãn hiệu HWASUNG đã được cấp cho Công ty Thiên Phú.
Vào nửa cuối tháng 8/2006, theo đề nghị của Công ty Thiên Phú, Đội Quản lý thị trường số 5 Hà Nội và Đội 3 Phòng PC 15 Công an TP Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng số lượng lớn hàng dây cáp điện và cáp điện thoại mang nhãn hiệu SH-HWASUNG của Công ty vật liệu điện Duy tân và Công ty Thương mại Duy Yên, là hai đại lý tiêu thụ lớn nhất của Công ty Cáp điện SH–VINA. Số hàng nói trên đã bị lập biên bản, bị niêm phong và được chuyển đến kho của cơ quan chức năng để chờ xử lý.
Đầu tháng 9/2006, Công ty SH-VINA đã nộp đơn yêu cầu Cục SHTT huỷ bỏ nhãn hiệu HWASUNG của Công ty Thiên Phú với lý do nhãn hiệu này trùng với tên Công ty HWASUNG của Hàn quốc, là một trong ba công ty mẹ của Công ty SH-VINA và vì nhãn hiệu HWASUNG đã được công ty HWASUNG sử dụng tại thị trường Việt Nam trước khi Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký. Nhằm trợ giúp cho Công ty SH-VINA, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số 135/UBND-TH gửi Cục SHTT và Ban chỉ đạo 127 Trung ương, đề nghị hai cơ quan nhà nước nói trên có biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài, sớm xử lý vụ việc, cho phép công ty được giải phóng lưu thông hàng hoá để không ảnh hưởng tiêu cực đến công ty và gần 100 lao động, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Sau khi nhận được đơn của Công ty SH-VINA đề nghị huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu HWASUNG và tài liệu gửi kèm, Cục SHTT đã có công văn số 2170/SHTT- TTKN, trong đó khẳng định độc quyền sử dụng nhãn hiệu trên của Công ty Thiên Phú trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Cục SHTT cho rằng theo quy định của pháp luật, một Giấy chứng nhận ĐKNHHH cũng có thể bị huỷ bỏ hiệu lực nếu bên đề nghị có các chứng cứ xác thực.
Như vậy, sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết, và hiện chưa rõ Cục SHTT sẽ chấp nhận hay từ chối yêu cầu của công ty SH-VINA về việc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu HWAHUNG. Công ty Quốc tế D&N sẽ theo dõi diễn biến của vụ việc và tiếp tục đưa tin trong các bản tin tiếp theo.
Lời bình
Vụ tranh chấp nhãn hiệu HWASUNG một lần nữa cho thấy tại Việt nam nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn chưa chú trọng đúng mức tới việc đăng ký nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được pháp luật quy định rõ, quyền sở hữu một nhãn hiệu thuộc về người nộp đơn đăng ký sớm nhất. Việc sử dụng nhãn hiệu chưa đăng ký không được coi là quyền có trước và do vậy không thể là căn cứ để tiến hành thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký. Cụ thể trong vụ này, mặc dù được thành lập từ tháng 10/2004 và có ý định sử dụng nhãn hiệu HWASUNG cho các sản phẩm của mình, Công ty SH-VINA đã chậm chân hơn Công ty Thiên Phú trong việc tiến hành thủ tục đăng ký, dẫn đến bị buộc tội làm hàng giả, và phải tiến hành các thủ tục nhằm tranh chấp nhãn hiệu không những rất tốn kém, mà kết cục chưa biết sẽ ra sao. Đây là bài học đắt giá cho tất cả các doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, vụ tranh chấp nhãn hiệu HWASUNG đặt ra một số vấn đề sau :
- Luật áp dụng: Nhãn hiệu HWASUNG được cấp giấy chứng nhận đăng ký ngày 19/10/2005, tức là trước ngày Luật SHTT có hiệu lực (01/07/2006). Vì vậy, theo điều khoản chuyển tiếp quy định tại điều 220.3 Luật SHTT, căn cứ hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu này sẽ được áp dụng theo các văn bản pháp luật tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, trong đó có Nghị định 63 quy định chi tiết về SHCN và Nghị định 54 về bảo hộ một số quyền SHCN trong đó có tên thương mại.
- Lý do mà Công ty SH-VINA đưa ra làm căn cứ cho yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu HWASUNG của công ty Thiên Phú là nhãn hiệu này trùng với tên thương mại của Công ty HWASUNG (Hàn Quốc) là công ty đã góp 40% vốn thành lập Công ty cáp điện SH-VINA và vì Công ty HWASUNG đã sử dụng nhãn hiệu HWASUNG tại thị trường Việt Nam trước khi Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký nhãn hiệu HWASUNG.
(i) Liên quan đến lý do nhãn hiệu của Thiên Phú trùng với tên công ty HWASUNG của Hàn Quốc: Theo điều 6(f) Nghị định 63, để được bảo hộ, nhãn hiệu phải « không trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đang được bảo hộ ». Công ty SH- VINA viện dẫn điều 2.1 và 14.2 Nghị định 54 nhằm chứng minh tên thương mại của Công ty HWASUNG được nhà nước bảo hộ tại thời điểm Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Điều 14.2 quy định tên thương mại không thể được bảo hộ nếu « gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trong cùng lĩnh vực kinh doanh». Tuy nhiên, vì điều này chỉ đề cập tới khả năng bảo hộ của tên thương mại, câu hỏi đặt ra là liệu có thể áp dụng nó để đánh giá khả năng bảo hộ của một nhãn hiệu hay không.
(ii) Liên quan đến việc nhãn hiệu HWASUNG đã được Công ty HWASUNG sử dụng từ trước khi Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký: Tại Việt nam, trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, quyền đối với nhãn hiệu chỉ được thiết lập trên cơ sở đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc sử dụng nhãn hiệu không thiết lập nên quyền đối với nhãn hiệu đó. Ngoài ra, việc Công ty HWASUNG sử dụng nhãn hiệu HWASUNG chưa thể chứng minh được quyền của Công ty SH – VINA đối với nhãn hiệu đó, vì đây là hai công ty riêng biệt, mặc dù Công ty HWASUNG góp 40% vốn trong công ty SH – VINA.
Như vậy, một câu hỏi nữa đang đợi câu trả lời trả lời là liệu công ty SH-VINA có quyền viện dẫn tên thương mại của Công ty HWASUNG và việc Công ty này từng sử dụng nhãn hiệu HWASUNG để tiến hành thủ tục hủy bỏ nhãn hiệu HWASUNG hay không.
- Ngoài ra, Công ty SH-VINA cũng có thể đề nghị hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu HWASUNG của Công ty Thiên Phú vì lý do nộp đơn không trung thực (điều 15.4 Nghị định 63 ). Tuy nhiên, khó khăn khi viện dẫn điều này là việc chứng minh sự không trung thực của người nộp đơn, nhẩt là trong trường hợp hai bên chưa từng có quan hệ trực tiếp. Mặc dù Công ty Thiên Phú là chủ của một số nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu Hàn Quốc, nhưng chỉ thực tế này thôi liệu có thể được coi là đủ để chứng minh sự không trung thực?
Quyểt định của Cục SHTT và của các cơ quan có thẩm quyền sẽ làm sáng tỏ hơn các vấn đề nêu ra trên đây. Còn trong khi chờ đợi, Công ty Thiên Phú vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu HWASUNG và do đó có tiến hành các thủ tục như bắt giữ hàng giả nhãn hiệu, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình khi bị xâm phạm. Cục SHTT vì vậy đã làm đúng chức năng khi khẳng định độc quyền của Công ty Thiên Phú đối với nhãn hiệu HWASUNG. Tuy nhiên, các biện pháp để bảo vệ bên bị buộc tội làm hàng giả nhãn hiệu cũng cần phải được pháp luật quy định rõ ràng hơn, để đảm bảo trong trường hợp bên này cuối cùng hủy bỏ được nhãn hiệu, có thể được đền bù đầy đủ cho các thiệt hại mà việc bắt và giữ hàng gây ra.
(10/2/2007)